Chiến sự Ukraine ngày 1.095: diễn biến mới trước thềm tròn 3 năm

23/02/2025 05:19 GMT+7

Ngày 22.2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã đến Donetsk thị sát tình hình, trong khi EU chuẩn bị gói viện trợ quân sự lớn cho Kyiv vào dịp tròn 3 năm chiến sự.

 Moscow kiểm soát thêm làng ở miền đông Ukraine

Hôm 22.2, TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã kiểm soát thêm làng Novolyubivka ở tỉnh Luhansk, nơi phần lớn rơi vào tay Nga kể từ đầu chiến sự.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị vũ trang nước này đã tấn công các sân bay quân sự của Ukraine, nơi chứa máy bay không người lái (UAV) và kho nhiên liệu của đối phương.

Anh chê binh sĩ Ukraine phung phí vũ khí đắt tiền, không chịu ứng dụng chiến thuật NATO

Còn ở Kursk thuộc Nga, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này cùng ngày đã đẩy lùi 3 đợt tấn công của Ukraine ở vùng Kursk trong vòng 24 giờ. Theo TASS, tổn thất của đối phương là 190 binh sĩ, 3 xe tăng, 15 xe bọc thép chiến đấu, 17 phương tiện cơ giới và những tổn thất khác.

Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Chiến sự Ukraine ngày 1.095: diễn biến mới trước thềm tròn 3 năm- Ảnh 1.

Binh sĩ Nga ở vùng chiến dịch đặc biệt

ảnh: bộ quốc phòng nga


Cũng trong ngày 22.2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã đến thị sát mặt trận Donetsk ở miền đông Ukraine, khu vực Nga đang tiến quân trong thời gian qua.

Chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng Nga được thực hiện vào thời điểm Nga đang tìm cách kiểm soát Chasiv Yar và Pokrovsk, hai thành trì tiền tuyến quan trọng của quân đội Ukraine ở miền đông.

Việc Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đến tiền tuyến đã diễn ra vào thời điểm Washington và Moscow đang có động thái tìm cách khôi phục quan hệ song phương, và tập trung vào mục tiêu nhanh chóng chấm dứt chiến sự gần tròn 3 năm.

Chiến sự Ukraine ngày 1.095: diễn biến mới trước thềm tròn 3 năm- Ảnh 2.

Cố vấn Ukraine không ủng hộ ý kiến NATO đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này

ảnh: reuters

Cố vấn tổng thống Ukraine bác lực lượng gìn giữ hòa bình

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh RMF (Ba Lan) hôm 21.2, ông Mikhail Podoliak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc các binh sĩ nước ngoài được triển khai đến Ukraine thời hậu chiến không phải là viễn cảnh thiết thực vào thời điểm hiện tại.

Thay vào đó, ông cho rằng châu Âu có thể tăng thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, và cùng với chính quyền Kyiv "tập trung vào việc phát triển vũ khí" và tiếp tục hỗ trợ theo hướng này.

Hiện có một số nước châu Âu bày tỏ sẵn sàng góp quân vào lực lượng gìn giữ hòa bình, trong đó có Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Binh sĩ Ukraine thề quyết tâm chiến đấu, dù ‘có hay không có’ Mỹ hỗ trợ

Sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nga ở Riyadh (Ả Rập Xê Út) hôm 18.2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Moscow phản đối quyết liệt khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng đến Ukraine sau khi chiến sự chấm dứt.

Trong khi đó, Thủ tướng Starmer vào thời điểm gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng vào tuần sau được cho là có thể sẽ đề xuất đưa 30.000 binh sĩ NATO đến Ukraine và thuyết phục Mỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, theo báo The Telegraph.

Theo Politico, Brussels đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự trị giá ít nhất 6 tỉ euro cho Kyiv, bao gồm 1,5 triệu đạn pháo và các hệ thống phòng không. Đây là một trong những gói viện trợ lớn nhất được Liên minh châu Âu (EU) cung cấp cho chính quyền Kyiv kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2.2022.

Thông tin trên có thể được công bố trước chuyến thăm của các đại diện cấp cao của EU đến Kyiv ngày 24.2 nhân tròn 3 năm chiến sự.

Chiến sự Ukraine ngày 1.095: diễn biến mới trước thềm tròn 3 năm- Ảnh 3.

Châu Âu nỗ lực ủng hộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bối cảnh hòa đàm có thể đến gần

ảnh: reuters

Châu Âu nói không thể hòa bình nếu thiếu ý kiến Ukraine

Ngày 22.2, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhận xét rằng hòa bình cho Ukraine không thể "bị áp đặt", theo sau các diễn biến gần đây liên quan đến khả năng hòa đàm.

"Hòa bình cho Ukraine và an ninh ở châu Âu không thể bị áp đặt", AFP dẫn lời Thủ tướng Sanchez, người chuẩn bị công du Kyiv hôm 24.2 nhân tròn 3 năm chiến sự.

Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha bổ sung rằng bất kỳ "nền hòa bình công bằng và lâu dài" nào cũng cần có sự tham dự của Ukraine và châu Âu.

Ông Trump nói thảo luận với Nga hiệu quả hơn với Ukraine

Còn Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cùng ngày nói với Tổng thống Zelensky rằng không có cơ chế hòa đàm nào có thể giải quyết cuộc xung đột với Nga nếu thiếu Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với ông Zelensky, ông Mitsotakis cho hay tùy chính quyền Kyiv quyết định có chấp nhận hòa đàm hay không.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21.2 lại công khai chê bai cách đàm phán của người đồng cấp Zelensky, nhưng nhấn mạnh nhà lãnh đạo Kyiv và Tổng thống Nga Vladimir Putin phải gặp nhau nếu muốn mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.