Các video chưa được xác minh trên mạng xã hội cho thấy một máy bay lớn xuất hiện ở nơi được cho là tỉnh Belgorod (Nga). Máy bay sau đó rơi xuống và tạo ra một quả cầu lửa. Theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay trên là IL-76, chở 65 binh sĩ Ukraine bị các lực lượng của Moscow bắt giữ. Ngoài ra, trên chuyến bay còn có 6 thành viên phi hành đoàn và 3 người bảo vệ.
Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine đóng quân ở tỉnh Kharkiv đã bắn 2 tên lửa vào máy bay vận tải và mô tả vụ việc là một "hành động khủng bố", hãng thông tấn TASS đưa tin.
Máy bay quân sự Il-76 của Nga bị rơi khi đang chở tù binh Ukraine?
Không quân Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ tai nạn, chỉ nói rằng "một tuyên bố vẫn chưa được đưa ra". Một cơ quan chính phủ Ukraine chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề về tù binh cho biết họ đang điều tra các tuyên bố của Nga.
Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài giờ trước cuộc trao đổi tù binh hôm 24.1, dự kiến diễn ra tại cửa khẩu biên giới ở Belgorod.
Truyền thông địa phương ban đầu trích dẫn các nguồn tin quốc phòng nói rằng quân đội Ukraine đã bắn rơi máy bay. Tuy nhiên, các thông tin trên đã được rút lại, theo AFP.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận, nói rằng tin tức xung quanh vụ tai nạn vẫn đang nổi lên và nhà chức trách sẽ "xem xét" vụ việc.
Tính đến nay, Nga-Ukraine đã thực hiện được 49 cuộc trao đổi tù nhân kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra gần 2 năm trước. Ukraine cho biết hơn 8.000 công dân nước này vẫn bị Nga giam giữ, gồm cả dân thường.
Thủ tướng Slovakia nói cho Ukraine gia nhập NATO là 'cơ sở cho Thế chiến 3'
Ukraine tiếp đón Thủ tướng Slovakia dù "bất đồng"
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal hôm 24.1 nói "Kyiv muốn có mối quan hệ thực tế với Slovakia". Phát biểu được đưa ra khi ông tiếp đón người đồng cấp Slovakia Robert Fico, người vài ngày trước có những nhận xét "làm phật lòng" Ukraine, AFP đưa tin.
Ông Shmygal cho biết ông hy vọng cuộc gặp với ông Fico sẽ "mở ra một trang mới trong quan hệ của chúng ta".
Trước đó, Thủ tướng Fico đã đặt câu hỏi về chủ quyền của Ukraine và kêu gọi thỏa hiệp với Nga. Theo AFP, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, chẳng hạn như ở Slovakia và Hungary, ngày càng trở nên mệt mỏi trước cuộc xung đột gay gắt ở Ukraine với những yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của Kyiv.
Trong lời chỉ trích mới nhất về Ukraine, ông Fico cho biết không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột với Nga. Theo ông, Ukraine sẽ phải từ bỏ một số lãnh thổ.
Ukraine nhiều lần khẳng định lập trường sẽ chiến đấu đến cùng để giành lại lãnh thổ như đã phân chia sau khi Liên Xô tan rã.
Estonia tham gia huấn luyện tân binh Ukraine
Bộ Quốc phòng Estonia xác nhận nước này đã tham gia Chiến dịch Interflex để huấn luyện quân đội Ukraine, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.
"Hôm nay tại Ramstein, Estonia tuyên bố tham gia khóa huấn luyện 'Chiến dịch Interflex' do Anh dẫn đầu", Bộ Quốc phòng Estonia thông báo trên X hôm 23.1.
Thông qua Chiến dịch Interflex, hơn 34.000 tân binh Ukraine đã có được những kỹ năng cần thiết để tiến hành các hoạt động chiến đấu ở tiền tuyến.
Điểm xung đột: Kyiv, Kharkiv bị tập kích dữ dội; Israel bất ngờ tổn thất nặng
Đức cảnh báo EU hỗ trợ cho Ukraine 'không đủ lớn'
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 24.1 kêu gọi các quốc gia châu Âu tăng cường cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine. Phát biểu của ông làm dấy lên mối lo ngại rằng sự giúp đỡ từ Mỹ, quốc gia gửi nhiều viện trợ nhất cho chính quyền Kyiv, có thể bị mất đi, Reuters đưa tin.
"Châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine bảo vệ đất nước của mình [...] Những đóng góp mà các quốc gia châu Âu dành cho năm 2024 cho đến nay vẫn chưa đủ lớn", ông nói, đồng thời kêu gọi các nước thảo luận về cách mỗi nước có thể tăng cường hỗ trợ Kyiv.
Thủ tướng Scholz cũng cho biết ông "khá khó chịu" khi Đức liên tục bị chỉ trích vì chưa làm đủ, trong khi nước này đã "làm nhiều hơn tất cả các quốc gia EU (Liên minh châu Âu) khác".
Ukraine đã thúc giục đồng minh gửi thêm đạn dược và vũ khí để chiến đấu trước quân đội Nga. Trong số các loại vũ khí mà Kyiv đang tìm kiếm có tên lửa hành trình Taurus mà Đức cho đến nay vẫn từ chối cung cấp.
Tuy nhiên, Đức chiếm hơn một nửa số vũ khí mà châu Âu cung cấp cho Ukraine. Ông Scholz nói rằng sẽ là "ngạo mạn khi nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều này một mình trong thời gian dài".
Nga thăm dò điểm yếu của Ukraine
Reuters ngày 24.1 dẫn lời bà Celeste Wallander, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói quân đội Nga đang "tấn công thăm dò" bằng hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine. Chiến thuật này được cho là nhằm tìm ra điểm yếu của Kyiv, khi nguồn tài trợ từ Washington đang bị đình trệ do quốc hội không phê duyệt.
Theo bà Wallander, các vũ khí được sử dụng bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV. Bà cũng cho rằng Nga đang tìm cách buộc Ukraine tiêu hao đạn dược quý giá và hệ thống phòng không.
"Cho đến nay họ vẫn chưa thành công. Ukraine có nhiều kinh nghiệm trong vài năm qua về cách đối phó với những cuộc tấn công kiểu này của Nga", bà nói với các phóng viên.
Moscow chưa bình luận về thông tin trên. Trước đó vào ngày 23.1, Nga đã bắn 41 tên lửa vào các thành phố của Ukraine. Kyiv tuyên bố đã phá hủy 21 trong số đó.
Nhận xét của bà Wallander được đưa ra khi đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đã chặn khoản tài trợ khẩn cấp mà Tổng thống Joe Biden đã đề xuất cho Ukraine.
Khi được hỏi liệu Ukraine có thiếu hụt viện trợ hay không, bà Wallander nói rằng các đồng minh của Mỹ đã tăng cường hỗ trợ để lấp đầy các khoảng trống. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận có những lo ngại ở Kyiv về việc này.
Bình luận (0)