Chiến sự Ukraine ngày 734: Kyiv mất thêm 1 làng?

28/02/2024 05:10 GMT+7

Lực lượng Nga vừa tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thêm 1 ngôi làng khác ở Ukraine, chiến tích mới kể từ khi giành được TP.Avdiivka (tỉnh Donetsk) trong tháng này.

Cụ thể, trong bản cập nhật ngày 27.2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã kiểm soát làng Severne (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine), song không nêu diễn biến chi tiết.

Về thông tin từ Nga, người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy sau đó xác nhận đã rút quân khỏi các làng Severne và Stepove gần Avdiivka. Một ngày trước đó, Kyiv cũng ra lệnh đưa quân khỏi làng Lastochkyne gần đó "để tổ chức phòng thủ" xa hơn sau khi Moscow tuyên bố kiểm soát ngôi làng này, theo AFP.

Chiến sự ở Avdiivka là một trong những trận ác liệt nhất xung đột kéo dài 2 năm qua, được so sánh với đợt tấn công ở TP.Bakhmut (tỉnh Donetsk) hồi năm ngoái.

Chiến sự Ukraine ngày 734: Kyiv mất thêm 1 làng?- Ảnh 1.

Pháo kích san bằng một tòa nhà ở tỉnh Donetsk hôm 25.2

REUTERS

Nga tuyên bố phá hủy xe tăng Mỹ

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga trong ngày 27.2 cũng cho biết quân đội nước này đã phá hủy "2 xe tăng, trong đó có 1 chiếc Abrams do Mỹ sản xuất". Một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng cho thấy cảnh 2 phương tiện đang bốc cháy.

Khi được hỏi về thông tin 1 xe tăng Abrams đã bị phá hủy, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Các binh sĩ của chúng tôi đã nói ngay từ đầu rằng những chiếc này sẽ bốc cháy như các chiếc khác". Phía Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Châu Âu phản pháo phát ngôn của Tổng thống Pháp

Châu Âu phản pháo phát ngôn của Tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27.2 đã phải đối mặt với những phản ứng khó chịu từ các đồng minh châu Âu và lời cảnh báo từ Điện Kremlin sau khi ông nói "không loại trừ khả năng" điều động bộ binh phương Tây đến Ukraine để hỗ trợ nước này trong xung đột với Nga, hãng Reuters đưa tin.

Chiến sự Ukraine ngày 734: Kyiv mất thêm 1 làng?- Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Điện Elysee ở thủ đô Paris hôm 26.2

REUTERS

Trước phát biểu trên, Điện Kremlin cảnh báo về "khả năng không thể tránh khỏi" đối đầu giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga, nếu quân đội của liên minh này được triển khai trong cuộc xung đột. Từ trước đến nay, NATO nhiều lần nỗ lực tránh viễn cảnh này, theo hãng thông tấn TASS.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người bị chỉ trích là quá thân thiện với Moscow, cho biết sau cuộc họp rằng có sự bất đồng về vấn đề này giữa các nhà lãnh đạo châu Âu, theo tờ The Guardian.

"Có những quốc gia sẵn sàng gửi binh lính của mình tới Ukraine. Có những quốc gia nói không bao giờ, Slovakia nằm trong số đó. Và có những quốc gia nói rằng đề xuất này nên được xem xét", ông Fico nói.

Thủ tướng Ulf Kristersson của Thụy Điển, quốc gia chuẩn bị gia nhập NATO, đã bác bỏ ý tưởng từ nhà lãnh đạo Pháp, nói rằng "hiện tại điều này chưa có trong kế hoạch".

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết có những thống nhất ngay từ đầu giữa các nước, trong đó bao gồm việc không gửi bất kỳ binh lính nào của các quốc gia châu Âu hoặc NATO đến Ukraine.

Báo Mỹ: CIA lập căn cứ, giúp Ukraine tiến hành chiến dịch chống Nga

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 27.2 cũng nhấn mạnh rằng nước này không sẵn sàng gửi vũ khí hoặc quân đội tới Ukraine và lập trường này là "vững chắc".

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh này không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.

Ông Stoltenberg lưu ý rằng các đồng minh NATO đã cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. "Chúng tôi đã làm điều đó kể từ năm 2014 và tăng cường sau cuộc xung đột toàn diện (năm 2022). Tuy nhiên, không có kế hoạch nào về việc đưa lực lượng chiến đấu trên bộ của NATO đến Ukraine", ông nói thêm.

NATO chỉ cung cấp cho Ukraine viện trợ không gây chết người, chẳng hạn như thuốc men, quân phục và đồ mùa đông. Tuy nhiên, một số đồng minh đã gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine theo nhóm.

Về phía Anh, nước này đã đưa ra phản ứng thận trọng hơn một chút, khi người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak nói rằng không có kế hoạch triển khai quân "quy mô lớn" tới Ukraine.

Ngoại trưởng Ba Lan thuyết phục Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Phát biều hôm 27.2 trong chuyến thăm Washington, Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski của Ba Lan đã kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ngừng cản trở quá trình thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo nhà ngoại giao Ba Lan, nếu việc này không được tiến hành và khiến Ukraine thua cuộc, ông Johnson phải chịu trách nhiệm, AFP đưa tin.

CIA thiết lập ở Ukraine mạng lưới gián điệp lớn chống Nga

"Tôi muốn ông ấy biết rằng cả thế giới đang theo dõi những gì ông ấy sẽ làm. Và nếu khoản bổ sung này không được thông qua và Ukraine phải chịu những thất bại trên chiến trường thì đó sẽ là trách nhiệm của ông ấy", ông Sikorski nói.

Ông Johnson dẫn đầu đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, và đã từ chối bỏ phiếu về dự luật tài trợ bổ sung, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu khoản hỗ trợ 61 tỉ USD (1,5 triệu tỉ đồng) cho Ukraine.

Ông Zelensky đến Ả Rập Xê Út bàn kế hoạch thả tù nhân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 27.2 cho biết ông đã đến Ả Rập Xê Út để thúc đẩy kế hoạch hòa bình cho xung đột và thảo luận về kế hoạch trao đổi tù nhân tiềm năng.

Ả Rập Xê Út duy trì mối quan hệ với cả Nga và Ukraine. Nước này trước đây đã từng làm trung gian giữa 2 bên xung đột, bao gồm một thỏa thuận vào tháng 9.2022 nhằm giải thoát hơn 200 tù nhân Ukraine.

Tổng thống Zelensky nói 31.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong xung đột

"Sự lãnh đạo của vương quốc đã góp phần giải phóng người dân của chúng tôi. Tôi tin tưởng cuộc họp này cũng sẽ mang lại kết quả", ông Zelensky viết trên trên mạng xã hội X.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.