Bộ Quốc phòng Nga ngày 28.2 thông báo các lực lượng đã giành được những vị trí lợi thế tại khu vực Avdiivka ở miền đông Ukraine, đẩy lùi 11 cuộc phản công của Ukraine và tiêu diệt 165 binh sĩ đối phương trong ngày, theo TASS. Nga giành được Avdiivka trong tháng này, chiến thắng lớn đầu tiên từ khi kiểm soát thị trấn Bakhmut cũng tại miền đông vào tháng 5.2023.
Bộ Quốc phòng Nga còn nói đã kiểm soát ngôi làng Stepove, cách Avdiivka khoảng 11 km về hướng tây bắc. Trước đó một ngày, quân đội Ukraine thông báo đã rút khỏi Stepove và làng Sieverne.
Mặt khác, Nga nói đã cải thiện vị trí chiến thuật tại khu vực Kupiansk thuộc tỉnh Kharkiv, tiêu diệt 145 binh sĩ của đối phương trong ngày. Ngoài ra, lực lượng phòng không Nga tuyên bố bắn rơi 99 thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine và 3 quả rốc két phóng từ Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), phá hủy các kho vũ khí và đạt những thành quả chiến sự tại các khu vực khác ở Ukraine.
Nga lần đầu tiên chiếm ưu thế trên không ở Ukraine
Ở chiều ngược lại, Ukraine thông báo đã phá hủy 10 UAV tấn công được Nga phóng đến trong đêm. Ukraine còn nói Nga cũng phóng tên lửa S-300 nhưng không nêu rõ tên lửa có trúng mục tiêu hay không.
Tổng thống Zelensky tiếp cận vùng Balkan
Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của các nước Đông Nam Âu bắt đầu vào ngày 28.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cố gắng kêu gọi sự ủng hộ của các nước Balkan cho tầm nhìn hòa bình của ông ở Ukraine và thúc đẩy ý tưởng sản xuất vũ khí chung, theo Reuters.
Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Tirana của Albania diễn ra trong bối cảnh Kyiv đang cố gắng cải thiện khả năng phòng thủ của mình để đẩy lùi lực lượng Nga, vào thời điểm sự hỗ trợ của Mỹ đang suy giảm sau hơn 2 năm chiến sự.
"Chúng tôi quan tâm đến việc hợp tác sản xuất với các bạn và tất cả các đối tác của chúng tôi", ông Zelensky nói với các phái đoàn hàng đầu từ Albania, Serbia, Bắc Macedonia, Kosovo, Bosnia, Montenegro, Croatia và Moldova trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh.
"Có khoảng 500 công ty quốc phòng đang hoạt động ở Ukraine, mỗi công ty trong số họ đều tăng thêm sức mạnh nhưng điều đó là không đủ để giành chiến thắng (trước Tổng thống Nga Vladimir) Putin. Chúng tôi gặp vấn đề liên quan đến việc cung cấp đạn dược, ảnh hưởng đến tình hình trên chiến trường", nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.
Albania, Bắc Macedonia và Montenegro là thành viên NATO, đã tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga và gửi vũ khí, thiết bị tới Ukraine. Là đồng minh lâu năm của Moscow, Serbia đã không áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga.
Đức nhìn sang Ấn Độ để tìm đạn pháo cho Ukraine?
Tổng thống Zelensky cho biết ông đã mời tất cả các nhà lãnh đạo khu vực Balkan tham gia hội nghị thượng đỉnh các đối tác và đồng minh ở Thụy Sĩ vào mùa xuân này để thảo luận về tầm nhìn hòa bình của ông, trong đó đòi hỏi quân đội Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Sáng kiến ngoại giao đó - dựa trên cái được gọi là "công thức hòa bình" của ông Zelensky - không bao gồm Nga và đã bị Moscow bác bỏ vì coi đó là sáng kiến không khả thi.
Nga cảnh báo gợi ý của Tổng thống Pháp
Các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28.2 đã cảnh báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng bất kỳ đội quân nào ông gửi đến Ukraine sẽ gặp kết cục tương tự như đại quân của hoàng đế Napoleon Bonaparte, theo Reuters.
Hôm đầu tuần, ông Macron đã gợi mở khả năng các quốc gia châu Âu gửi quân tới Ukraine, mặc dù ông cảnh báo rằng chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này.
Bình luận của ông đã khiến hàng loạt quốc gia phương Tây khác, bao gồm cả Mỹ và Anh, nói rằng họ không có kế hoạch như vậy, trong khi Điện Kremlin cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và liên minh quân sự NATO sẽ không thể tránh khỏi nếu các thành viên châu Âu của NATO gửi quân tới Ukraine.
Báo Mỹ: CIA lập căn cứ, giúp Ukraine tiến hành chiến dịch chống Nga
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin ngày 28.2 nói rằng ông Macron dường như coi mình là Napoleon và cảnh báo ông không nên đi theo bước chân của hoàng đế Pháp.
"Để duy trì quyền lực cá nhân của mình, ông Macron không thể nghĩ ra điều gì tốt hơn là châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba. Các sáng kiến của ông ấy đang trở nên nguy hiểm đối với người dân Pháp. Trước khi đưa ra những tuyên bố như vậy, ông Macron nên nhớ lại kết cục của Napoleon và binh lính của ông ta như thế nào, hơn 600.000 người trong số họ đã phải nằm lại trên mặt đất ẩm ướt", ông Volodin viết trên mạng xã hội.
Cuộc tấn công Nga năm 1812 của Napoleon ban đầu đã đạt được tiến bộ nhanh chóng và chiếm được Moscow. Tuy nhiên, chiến thuật của Nga đã buộc đại quân của ông phải rút lui lâu dài và hàng trăm ngàn quân của hoàng đế Pháp đã chết vì bệnh tật, đói khát và giá lạnh.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho rằng ông Macron đang có những ảo tưởng nguy hiểm về sự vĩ đại và nói rằng tuyên bố của ông là một ví dụ cho thấy tư duy chính trị phương Tây đã trở nên thiếu sót như thế nào.
EU đề xuất dùng tài sản Nga cho quân đội Ukraine
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 28.2 cho biết Liên minh châu Âu (EU) nên xem xét sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua thiết bị quân sự cho Ukraine, theo Reuters.
Bà nói với Nghị viện châu Âu trong bài phát biểu kêu gọi EU hành động nhiều hơn về chính sách quốc phòng: "Đã đến lúc bắt đầu cuộc thảo luận về việc sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cùng mua thiết bị quân sự cho Ukraine".
Nga gánh thêm 500 lệnh cấm vận mới từ Mỹ vào cột mốc 2 năm xung đột Ukraine
Mặt khác, bà von der Leyen cho biết mối đe dọa chiến tranh đối với EU "có thể chưa xảy ra nhưng không phải là không thể". "Không nên thổi phồng quá mức những rủi ro của chiến tranh nhưng chúng cần được chuẩn bị sẵn sàng và điều đó bắt đầu từ nhu cầu cấp thiết là xây dựng lại, bổ sung, hiện đại hóa lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói.
Trong bài phát biểu của mình, bà von der Leyen đã nêu khái quát Chiến lược phòng thủ công nghiệp châu Âu mới mà ủy ban của bà sẽ trình bày trong những tuần tới, cho rằng một trong những mục tiêu chính của chiến lược này là ưu tiên mua sắm chung.
Bình luận (0)