Chiến sự Ukraine ngày 801: Nga hủy diệt tên lửa tầm xa ATACMS, xe tăng Abrams

05/05/2024 05:20 GMT+7

Nga tuyên bố phá hủy nhiều vũ khí hiện đại do phương Tây cung cấp cho Ukraine và ước tính Kyiv tổn thất 111.000 binh sĩ từ đầu năm đến nay.

Nga bắn hạ tên lửa tầm xa ATACMS của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga ngày 4.5 thông báo lực lượng phòng không đã bắn hạ 4 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất của Ukraine phóng đến trên bán đảo Crimea. Hồi đầu tuần này, Nga cũng tuyên bố ngăn chặn 6 quả ATACMS trong một ngày. Tổng cộng trong 7 ngày qua, Moscow đã ngăn chặn 15 quả tên lửa có tầm bắn đến 300 km này.

Chiến sự Ukraine ngày 801: Nga hủy diệt tên lửa tầm xa ATACMS, xe tăng Abrams- Ảnh 1.

Tên lửa ATACMS được phóng trong một cuộc tập trận hồi năm 2017 tại Hàn Quốc

AFP

Quan chức Mỹ hồi tháng 4 tiết lộ nước này đã âm thầm cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS trong vài tuần trước đó. Phiên bản 300 km của tên lửa này được Ukraine sử dụng lần đầu vào ngày 17.4 nhắm vào một sân bay tại Crimea, cách tiền tuyến 165 km. Năm ngoái, Ukraine đã nhận được phiên bản có tầm bắn ngắn hơn một nửa.

Mỹ đã e ngại vào thời gian đầu về việc cung cấp tên lửa này cho Ukraine sẽ khiến kho vũ khí bị ảnh hưởng, bên cạnh nỗi lo Kyiv sử dụng chúng để tấn công lãnh thổ Nga, dẫn đến leo thang xung đột.

Bộ trưởng Nga ước tính Ukraine tổn thất 111.000 binh sĩ từ đầu năm

Cũng trong thông báo ngày 4.5, Bộ Quốc phòng Nga cho hay đã phá hủy một đoàn tàu chở vũ khí và phương tiện do phương Tây sản xuất, được các nước NATO chuyển đến cho Ukraine. Trong 7 ngày qua, Nga cũng phá hủy 2 xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine, theo TASS.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố quân Nga đã kiểm soát thêm 547 km2 tại "các vùng lãnh thổ mới", ý chỉ 4 vùng tại Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi năm 2022 dù Kyiv phản đối. Ông ước tính quân đội Ukraine đã tổn thất 111.000 binh sĩ từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, Nga đã phá hủy khoảng 21.000 vũ khí hạng nặng của Ukraine.

Theo quân đội Ukraine ngày 4.5, Nga đã mất 473.000 binh sĩ tại Ukraine từ khi bắt đầu xung đột. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne thì lại ước tính 150.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng từ đầu chiến sự.

Ý loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto đã bác bỏ khả năng đưa quân sang Ukraine sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ ý tưởng này.

Trước đó, ông Macron cho rằng vấn đề đưa quân sang Ukraine sẽ được phương Tây bàn bạc nếu Nga phá vỡ tiền tuyến và Kyiv đưa ra đề nghị. "Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi luôn nói rằng Ukraine cần mọi sự giúp đỡ và chúng tôi đang mang lại điều đó. Nhưng chúng tôi cũng luôn loại trừ việc can thiệp quân sự trực tiếp vào xung đột", Bộ trưởng Crosetto nói với tờ Corriere della Sera, đăng ngày 4.5.

Tổng thống Pháp lặp lại khả năng đưa quân đến Ukraine

Ông giải thích rằng luật Ý cấm can thiệp quân sự trực tiếp từ khi có ủy nhiệm từ Liên Hiệp Quốc. Vị bộ trưởng cho rằng việc can thiệp sẽ dẫn đến xung đột rộng hơn và sẽ không có lợi cho người Ukraine.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo rằng sự can thiệp của ít nhất một nước châu Âu, hầu như chắc chắn là một nước NATO, vào xung đột Ukraine sẽ đồng nghĩa đối đầu trực tiếp với Nga và dẫn đến nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới.

Chiến sự Ukraine ngày 801: Nga hủy diệt tên lửa tầm xa ATACMS, xe tăng Abrams- Ảnh 2.

Vụ cháy sau cuộc tấn công của Nga tại Kharkiv rạng sáng 4.5

REUTERS

Kế hoạch hòa bình của ông Trump

Tờ The Daily Telegraph dẫn nguồn tin thân cận với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vị cựu lãnh đạo đang xây dựng một kế hoạch chi tiết về việc giải quyết xung đột Ukraine một cách hòa bình. Tuy nhiên, ông Trump được cho là sẽ không tiết lộ cho đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Hồi tháng 4, ông Trump trả lời phỏng vấn tạp chí Time rằng sẽ không cung cấp viện trợ cho Ukraine nếu tái đắc cử, trừ khi châu Âu cũng viện trợ.

Trong diễn biến liên quan, Bloomberg đưa tin Mỹ đang bàn thảo với các thành viên trong nhóm G7 về việc cung cấp 50 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, sử dụng tài sản Nga bị đóng băng.

EU, Canada, Mỹ và Nhật Bản đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD tài sản Nga từ đầu chiến sự, trong đó khoảng 5-6 tỉ USD nằm tại Mỹ.

Quan chức tình báo Ukraine hé lộ thời điểm ngồi xuống đàm phán với Nga

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 4.5 cho rằng công thức hòa bình Ukraine sẽ thành công nếu phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kyiv. Trước đó, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell dự đoán xung đột có thể chấm dứt trong vài tuần nếu phương Tây không viện trợ cho Ukraine.

Nga truy nã Tổng thống Ukraine

Bộ Nội vụ Nga đã ra lệnh truy nã Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì vi phạm luật hình sự. Cáo buộc cụ thể không được nêu ta.

Cũng ngày, Nga truy nã cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mà cũng không nêu lý do cụ thể, chỉ nói ông vi phạm luật hình sự.

Bộ Ngoại giao Ukraine cùng ngày cho rằng tuyên bố của Nga là vô giá trị trong khi nhắc nhở rằng ông Putin đang đối diện lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự quốc tế (ICC) và 123 nước bắt buộc thi hành lệnh bắt.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng thông báo của Nga là bằng chứng của sự tuyệt vọng của bộ máy nhà nước và tuyên truyền của Nga.

Nga cáo buộc NATO chuẩn bị cho xung đột

Phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cuộc tập trận kéo dài 4 tháng của NATO ngay sát biên giới Nga là bằng chứng của việc liên minh đang chuẩn bị cho xung đột với Moscow.

Cuộc tập trận Steadfast Defender bắt đầu vào tháng 1 và sẽ kéo dài đến tháng 5. Theo Reuters, NATO thông báo có 90.000 binh sĩ tham gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.