Tổng thống Ukraine dự Đối thoại Shangri-La
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 1.6 đã đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La. Ông dự kiến phát biểu trước đại diện các nước và gặp quan chức các bên tham gia đối thoại.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Zelensky cho biết sẽ kêu gọi sự ủng hộ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dành cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình diễn ra vào ngày 15-16.6 tại Thụy Sĩ.
Điểm xung đột: Nga dọa đánh trả NATO; ông Biden có kế hoạch ngừng bắn cho Gaza
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, cho biết Tổng thống Zelensky sẽ tham gia phiên thảo luận ngày 2.6 với chủ đề "Hình dung lại các giải pháp cho hòa bình toàn cầu và ổn định khu vực", theo Reuters.
Đây là chuyến công du châu Á thứ 2 của ông Zelensky kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, sau lần tham gia hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) tại Nhật Bản tháng 5.2023.
Tổng thống Ukraine cho biết thêm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các nhà đầu tư Singapore.
Trước khi đến Singapore, ông Zelensky đã có lịch trình công du bận rộn đến nhiều nước châu Âu nhằm kêu gọi hỗ trợ quân sự cho Kyiv, trong tình cảnh có nhiều thách thức với quân đội nước này ở mặt trận phía bắc Ukraine, nơi lực lượng Nga đang tiến công.
Ông Zelensky đặt thêm yêu cầu với Mỹ
Trong buổi phỏng vấn với The Guardian ngày 31.5, Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh “bước tiến” của Mỹ, khi Washington cho phép Kyiv sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga ở gần biên giới vùng Kharkiv (miền bắc Ukraine).
Tình báo phương Tây: Ukraine có thể mất thêm lãnh thổ, tình hình vẫn "u ám"
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn cương quyết với lập trường không để Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Zelensky nói rõ quân đội Kyiv cần được phép sử dụng các loại vũ khí tầm xa uy lực nhằm vào đất Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng nếu Washington không bật đèn xanh, các đồng minh phương Tây khó có thể đưa ra quyết định tương tự.
Ông Zelensky cho hay Kyiv vẫn chưa “hoàn toàn được phép” sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Nga. Điều này trái ngược với một tuyên bố mới đây, khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói London đã viện trợ tên lửa Storm Shadow cho Ukraine mà không áp đặt hạn chế nào.
Trong khi đó, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cảnh báo phương Tây cần tránh hành động “hấp tấp” khi cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công Nga. “Đây là thời điểm rất nhạy cảm, chúng ta cần tránh những bước đi sai lầm. Ngay cả Mỹ cũng rất thận trọng khi không cho phép sử dụng vũ khí tấn công bừa bãi vào đất Nga”, ông Tajani nói.
Tổng thống Zelensky cho rằng việc Mỹ mập mờ trong vấn đề viện trợ đã khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng, kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngừng lo ngại về khả năng leo thang hạt nhân với Nga. Ông Zelensky đề cập vũ khí Mỹ chuyển giao vẫn chưa đủ số lượng để trang bị cho các lữ đoàn Ukraine ở phía đông bắc, nơi Nga đang tiến công.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, những nước trong tình trạng hòa bình ở phương Tây “có nhiều ưu tiên khác”, do đó dễ hiểu khi các nước này không chia sẻ cảm giác cấp bách như Ukraine, dẫn đến tập trung đối thoại hơn là hành động. “Với chúng tôi, thời gian là mạng sống. Nếu bạn không lập tức vào hầm trú bom, bạn có thể mất mạng. Do đó thái độ với thời gian giữa chúng tôi với các nước trên là hoàn toàn khác nhau”, ông Zelensky nói với The Guardian.
Pháp không mời Nga dự kỷ niệm ‘Ngày đổ bộ’ Thế chiến II vì chiến sự Ukraine
Thủ tướng Estonia: Không có “kế hoạch B” nếu Ukraine thất thủ
Trả lời đài BBC ngày 1.6, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng đất nước của bà không chuẩn bị kế hoạch B cho trường hợp Nga chiến thắng tại Ukraine, với lý do điều đó sẽ khiến Estonia xao nhãng kế hoạch chính là giúp Kyiv đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Chính phủ Estonia đã chi hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để viện trợ Ukraine. “Nếu mọi nước NATO đều làm điều tương tự thì Ukraine đã thắng”, bà Kallas nói.
Estonia là một trong những thành viên NATO, có biên giới giáp với miền tây nước Nga. Nước này lo ngại khi giao tranh dừng lại tại Ukraine, Moscow có thể hướng sự tập trung lên vùng Baltic, mà Estonia là một trong những quốc gia khu vực này.
Belgorod ghi nhận nhiều vụ nổ, hạ tầng năng lượng Ukraine bị tập kích
Reuters ngày 1.6 đưa tin Nga phóng hơn 100 tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tấn công các cơ sở năng lượng và hạ tầng trọng yếu khắp Ukraine, khiến nhiều người bị thương. Cuộc tấn công lớn thứ 6 nhằm vào hạ tầng năng lượng Ukraine kể từ tháng 3 đã gây thiệt hại các cơ sở năng lượng ở phía đông, trung tâm và phía tây nước này, theo Ukrenergo, công ty điều hành lưới điện quốc gia Ukraine.
Hãng RIA dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng nước này tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine phục vụ cho tổ hợp công nghiệp quân sự, cũng như tấn công các kho vũ khí phương Tây.
Trước đó, giới chức Nga đầu ngày 1.6 cho hay UAV của Ukraine đã tập kích vào thành phố Belgorod của Nga. 40 vụ nổ đã được nghe thấy từ Belgorod trong 15 phút. Tỉnh trưởng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết một số tòa nhà bị hư hại và báo cáo ban đầu chưa ghi nhận thương vong.
Bình luận (0)