Chiến sự Ukraine ngày 844: Bàn cách tránh thảm họa hạt nhân, ‘cơ hội cuối' của Ukraine

17/06/2024 05:15 GMT+7

Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ kết thúc sau 2 ngày với nhiều đề xuất nhằm hướng đến việc kết thúc chiến sự tại Ukraine.

Chiến sự Ukraine ngày 844: Bàn cách tránh thảm họa hạt nhân, ‘cơ hội cuối' của Ukraine- Ảnh 1.

Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ hôm 16.6

REUTERS

Hãng TASS ngày 16.6 trích dẫn nội dung phỏng vấn ông Viktor Medvekchuk, chính trị gia đối lập Ukraine, cho rằng đề xuất hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin là cơ hội cuối để cứu nhà nước Ukraine.

"Những đề xuất hòa bình không chỉ khôi phục hòa bình ở Ukraine mà còn các quyền của công dân nước này", ông phát biểu.

Đa số nước tham dự đồng ý tuyên bố chung của hội nghị hòa bình Ukraine

Theo ông, đây là "cơ hội cuối để bảo vệ nhà nước Ukraine", trong khi Ukraine hiện tại "không thể tồn tại mà không vay mượn lớn từ bên ngoài". 

Trước đó hôm 14.6, Tổng thống Putin ra điều kiện dàn xếp tình hình ở Ukraine, bao gồm việc Kyiv rút binh sĩ khỏi Donbass và từ chối gia nhập NATO.

Tháng 5.2021, cơ quan công tố cáo buộc ông Medvedchuk tội phản quốc, bán bí mật quân sự cho Nga và trục lợi từ tài nguyên thiên nhiên của Crimea dưới sự kiểm soát của Nga. Đến tháng 5.2022, ông Medvedchuk sang Nga theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa 2 nước.

Hồi tháng 3, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh chấm dứt hoạt động của 11 đảng vì mối liên kết với Nga, trong đó có đảng của ông Medvedchuk.

Hiện Ukraine đang tìm kiếm một kế hoạch khác so với đề xuất của ông Putin và được các nước ủng hộ để chuyển đến Moscow.

Cố vấn Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 16.6 bác bỏ đề xuất của ông Putin, khi nói rằng Ukraine còn dễ tổn thương hơn nếu đáp ứng.

An toàn hạt nhân, an ninh lương thực

Hãng AFP đưa tin Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ ngày 16.6 tập trung vào những vấn đề an ninh lương thực, tránh thảm họa hạt nhân và đưa trẻ em Ukraine trở về từ Nga, trong bối cảnh nhiều nước tìm hướng kết thúc cuộc xung đột.

Lãnh đạo, giới chức từ hơn 90 nước dự hội nghị 2 ngày nhằm tìm biện pháp giải quyết cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng đạt được sự đồng thuận quốc tế xung quanh đề xuất chấm dứt chiến tranh để ông có thể chuyển đến Nga.

Có gì trong đề xuất ngừng bắn mới của Tổng thống Putin?

"Chúng ta phải cùng nhau quyết định xem một nền hòa bình công bằng có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới và làm thế nào để đạt được nó một cách lâu dài", ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo tập hợp tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock.

Tại hội nghị, nhóm thảo luận về an ninh lương thực gồm 30 nước, trong đó có Brazil, Anh, Đức, Ghana, Israel, Kenya, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ nhà Thụy Sĩ cho biết việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Ukraine vẫn rất quan trọng để ổn định giá lương thực trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, nhóm về an toàn hạt nhân thảo luận tình hình mong manh xung quanh sự an toàn và an ninh của các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là tại Zaporizhzhia, nơi tất cả các lò phản ứng đã ngừng hoạt động kể từ giữa tháng 4.

Theo chính phủ Thụy Sĩ, các nước gồm Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia, Mexico và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nằm trong những nước tham dự hội nghị nhưng không ký tuyên bố chung.

Thụy Sĩ cho biết hơn 90 quốc gia tham gia hội nghị và đa số ký tuyên bố chung. Brazil, được liệt kê là quan sát viên trong danh sách các bên tham dự, cũng không nằm trong danh sách các bên ký.

Hội nghị thứ 2?

Các bên cũng hy vọng sẽ có hội nghị thượng đỉnh thứ 2 để Ukraine có thể đưa cho Nga kế hoạch hòa bình được các bên tham gia hội nghị lần 1 đồng ý.

Tuyên bố chung tại hội nghị khẳng định "biên giới được quốc tế công nhận" của Ukraine, theo Reuters.

Tuyên bố kêu gọi mở đường cho hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ông Trump dọa cắt viện trợ cho Ukraine 'trước khi nhậm chức'

"Cụ thể, chúng tôi tái khẳng định cam kết kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận của họ, bao gồm cả lãnh hải, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế", theo tuyên bố.

Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục sự kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phản đối bất cứ sự đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến sự.

Ngoài ra, tuyên bố phản đối việc vũ khí hóa an ninh lương thực, kêu gọi khôi phục sự tiếp cận tự do và an toàn của các tàu hàng tại các cảng và hành lang biển. Các bên còn kêu gọi trao trả mọi tù binh và hoàn tất trao trả trẻ em về nước.

Truyền thông Nga ngày 16.6 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Putin không loại trừ khả năng đối thoại với Ukraine, nhưng cần những sự đảm bảo cho độ tin cậy của mọi cuộc đàm phán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.