Chiến sự Ukraine ngày 900: Bài toán cho Kyiv sau khi tấn công đất Nga

12/08/2024 05:00 GMT+7

Ukraine đã có cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga và giới quan sát đang theo dõi Kyiv sẽ có động thái gì tiếp theo.

Một quan chức cấp cao Ukraine ngày 11.8 nói rằng hàng ngàn binh sĩ Ukraine đã tham gia vào chiến dịch xâm nhập vùng Kursk của Nga, với mục tiêu phơi bày điểm yếu của Moscow và gây bất ổn cho đối thủ.

“Chúng tôi đang ở thế tấn công, mục tiêu là kéo giãn vị trí của Nga, gây tổn thất và làm mất ổn định tình hình ở Nga khi cho thấy họ không thể bảo vệ biên giới”, AFP dẫn lời quan chức Ukraine nói.

Tổng thống Ukraine thừa nhận tấn công qua biên giới, Nga gấp rút sơ tán dân

Quân đội Nga cho biết khoảng 1.000 binh sĩ Ukraine đã được triển khai trong cuộc xâm nhập xuyên biên giới, bắt đầu vào ngày 6.8. Quan chức Ukraine nhấn mạnh thực tế có hàng ngàn binh sĩ Ukraine chứ không phải 1.000 như thông tin từ Nga.

Reuters ngày 11.8 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận lực lượng nước này đã bắt đầu "đẩy cuộc chiến vào lãnh thổ" Nga, trong bối cảnh giới chức Moscow gấp rút sơ tán người dân khu vực biên giới. Quân đội Nga sau đó tuyên bố tấn công các đơn vị cơ giới Ukraine ở địa điểm cách biên giới 30 km.

Chiến sự Ukraine ngày 900: Bài toán cho Kyiv sau khi tấn công đất Nga- Ảnh 1.

Ảnh được cho là xe tăng Ukraine khai hỏa ở vùng Kursk

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

“Ukraine đang chứng tỏ chúng tôi thực sự có thể khôi phục lại công lý và đảm bảo gây sức ép cần thiết lên Nga”, ông Zelensky nói.

Trong khi đó theo The Hill, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ xâm nhập là sự khiêu khích lớn từ Kyiv, dấy lên lo ngại về khả năng leo thang xung đột không chỉ giữa Nga với Ukraine mà còn với phương Tây.

Dù chưa rõ các bước đi tiếp theo của Ukraine, Kyiv được cho là có bước tiến trong việc thay đổi trạng thái xung đột qua chiến dịch tiến vào đất Nga, theo bà Alena Kudzko, Phó chủ tịch phụ trách chính sách tại tổ chức nghiên cứu GLOBSEC (có trụ sở tại Slovakia).

“Với cuộc tấn công, Ukraine đã thể hiện cuộc chiến này khó đoán và đã có cơ hội khiến Nga bất ngờ”, bà Kudzko nói.

Ukraine hiện tại phải đối mặt với bài toán sẽ làm gì tiếp theo và liệu chiến dịch xâm nhập này có làm sao nhãng nỗ lực phòng thủ ở tiền tuyến hay không.

Ông Tomasz Blusiewicz, nhà nghiên cứu tại Viện Hoover của Đại học Stanford (Mỹ), cho biết Ukraine có khả năng rút khỏi Kursk, nhưng chỉ sau khi buộc Nga điều động nhiều lữ đoàn về phòng thủ.

Moscow đã tăng viện tại Kursk và nhấn mạnh sẽ đẩy lùi lực lượng Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 11.8 cho biết quân đội Nga sẽ sớm có phản ứng cứng rắn với tình hình tại Kursk. Lãnh đạo vùng Kursk cho hay một tên lửa rơi trúng tòa nhà ở khu vực này khiến 13 người bị thương, theo TASS. Ukraine chưa bình luận thông tin này.

Trong một diễn biến khác, Reuters ngày 11.8 dẫn lời Không quân Ukraine nói đã bắn hạ 53 trong số 57 máy bay không người lái (UAV) tập kích trong đêm, nhằm vào nhiều vùng tại Ukraine. Ở chiều ngược lại, quân đội Nga thông tin hệ thống phòng không đã bắn rơi 35 UAV của Ukraine.

Cháy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Nga tố Ukraine tấn công

Nga sản xuất hàng loạt UAV hạng nặng Privet-82XL

TASS ngày 11.8 đưa tin Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt UAV hạng nặng Privet-82XL, với thiết kế cánh cố định.

Cục thiết kế Oko cho biết thiết bị hạng nặng mới được trang bị tải trọng lên tới 10 kg. Hiện tại, Privet-82XL không được sử dụng trong khu vực hoạt động đặc biệt và đang trong quy trình sản xuất hàng loạt.

Loại UAV mới này đã được thử nghiệm và sẵn sàng hoạt động. Theo đại diện Oko, UAV với tải trọng cao sẽ cho phép thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào đối thủ ở sâu trên tiền tuyến. Hiện quân đội Nga và Ukraine sử dụng nhiều UAV cho các cuộc tấn công.

F-16 Ukraine “mang đậm khả năng phòng vệ”

Với những lô tiêm kích F-16 đầu tiên đến Ukraine, giới quân sự đánh giá những chiếc máy bay chiến đấu này có thể tăng cường năng lực phòng không cho Kyiv, xong cũng trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của quân đội Nga.

Chiến sự Ukraine ngày 900: Bài toán cho Kyiv sau khi tấn công đất Nga- Ảnh 2.

Tiêm kích F-16 thả mồi bẫy

QUÂN ĐỘI MỸ

Ngoài việc ngăn Moscow tập kích F-16 khi nó chưa cất cánh, những chiếc tiêm kích này được trang bị tên lửa đối không cùng hệ thống phòng thủ giúp máy bay có thể tự vệ trước tên lửa của Nga.

Theo chuyên trang The War Zone ngày 9.8, những chiếc F-16 được trang bị tên lửa đối không AIM-9M/L Sidewinder và AIM-120B AMRAAM. Ngoài ra, phiên bản F-16 tại Ukraine được trang bị hệ thống phòng thủ tích hợp Pylon, giúp phi cơ phát hiện tên lửa và các mối đe dọa.

Chiếc tiêm kích cũng có một ống dự trữ mồi bẫy, giúp phóng ra loạt quả đạn có khả năng ngăn chặn tên lửa của đối thủ. Bên cạnh đó, máy bay có thể lắp hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-60 và tác chiến điện tử AN/ALQ-126v6.

Tiêm kích F-16 tại Ukraine được cho là hy sinh khả năng tấn công để tập trung vào hệ thống phòng không và tự vệ, giúp máy bay sống sót lâu hơn. Song quân đội Ukraine có thể tùy biến trang bị những vũ khí tấn công để hoán đổi F-16 thành "thợ săn", dựa vào thực tiễn chiến trường và các gói viện trợ vũ khí từ phương Tây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.