Chiến sự Ukraine ngày 93: Tổng thống Putin bất ngờ gặp phản đối trong nước

28/05/2022 06:15 GMT+7

Lực lượng của Moscow đã có những bước tiến quan trọng ở vùng Donbass miền đông Ukraine, giữa lúc hai nghị sĩ Nga kêu gọi Tổng thống Putin chấm dứt "chiến dịch quân sự ".

Nhà cửa bị tàn phá ở tỉnh Donetsk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine

reuters

Nga chiếm Lyman, siết chặt vòng vây ở Severodonetsk

Các quan chức từ cả hai phía có vẻ như đã xác nhận việc Nga giành được quyền kiểm soát thành phố Lyman, một thành phố chiến lược ở tỉnh Donetsk. Truyền thông Nga dẫn lời phe ly khai thân Nga ở Donetsk cho hay họ đã chiếm được Lyman. Trong khi đó, thống đốc tỉnh Donetsk Pavlo Kyrylenko nói với đài phát thanh địa phương rằng Lyman "cơ bản nằm dưới sự kiểm soát của Nga", dù quân đội Ukraine đã giành được một số vị trí mới tại khu vực.

Xem nhanh: Ngày 93 chiến dịch quân sự Nga, tổn thất cho Ukraine ở miền đông

Ngoài ra, lực lượng Nga đã bao vây 2/3 thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk ở miền đông Ukraine, theo thống đốc tỉnh này Serhiy Haidai. Ông cho hay quân đội Ukraine đã bước vào trận chiến "phòng thủ khốc liệt" tại thành phố, theo Reuters.

Ông Haidai dẫn lời người đứng đầu chính quyền Severodonetsk, Oleksandr Stryuk, cho biết pháo kích "rất mạnh" đã liên tục dội xuống thành phố trong hai ngày qua và làm hư hại 90% nhà cửa ở đây.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Nga đang "có những bước tiến tuy chậm nhưng có thể thấy rõ" ở Donbass. Ông nói Kyiv nên được cung cấp các hệ thống rocket đa nòng tầm xa nhưng lại không cam kết gửi hệ thống tên lửa M270 uy lực của Anh cho Ukraine.

Xe phóng rocket đa nòng ở miền đông Ukraine

afP

Xem thêm: Ukraine thừa nhận mất thành phố quan trọng vào tay Nga

Tổng thống Putin nói Ukraine "phá hoại" đàm phán

Theo Thủ tướng Áo Karl Nehammer, người đã nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin qua điện thoại hôm 27.5, nhà lãnh đạo Nga cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán về việc trao đổi tù binh với Ukraine và rằng "nên có tiến triển" trong vấn đề này.

Trong một tuyên bố riêng về cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết ông Putin đã cáo buộc Ukraine "phá hoại" các cuộc đàm phán với Moscow. Ông Putin cũng thông báo với ông Nehammer rằng nỗ lực quy trách nhiệm cho Nga về những khó khăn trong việc vận chuyển ngũ cốc trên toàn thế giới là "vô căn cứ". Theo tổng thống Nga, nguyên nhân gây ra những khó khăn đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Putin nói sẵn sàng mở đường cho tàu vận tải lương thực Ukraine ra biển Đen nếu Nga được dỡ cấm vận

Cùng ngày, Điện Kremlin đổ lỗi cho Ukraine vì đàm phán giữa hai nước bị đóng băng, nói rằng không rõ Kyiv muốn gì. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc giới lãnh đạo ở Kyiv liên tục đưa ra "những tuyên bố mâu thuẫn khiến chúng tôi không thể hiểu đầy đủ về những gì phía Ukraine muốn".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại một lần nữa chỉ trích phương Tây bằng những từ ngữ mạnh mẽ. Ông cáo buộc các nước phương Tây tiến hành "cuộc chiến tổng lực" nhằm vào nước Nga, vào con người và văn hóa Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

afp

Hai nghị sĩ Nga kêu gọi rút quân về nước

Cuộc họp ngày 27.5 của hội đồng lập pháp vùng Primorsky, nơi có thành phố Vladivostok, đã gây xôn xao khi một nhà lập pháp địa phương đọc tuyên bố thúc giục Tổng thống Putin rút quân Nga ở Ukraine về nước, AFP cho hay.

"Nếu nước ta không chấm dứt chiến dịch quân sự thì nước ta sẽ có nhiều trẻ mồ côi hơn nữa", nhà lập pháp Leonid Vasyukevich đọc tuyên bố, theo một đoạn video ghi lại cuộc họp. "Chúng tôi yêu cầu lập tức rút quân Nga về nước".

Đây được cho là một động thái hiếm hoi giữa lúc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ tư. Nga đã thông qua luật có thể khiến những người bị cáo buộc làm mất uy tín của quân đội Nga phải đối mặt án tù lên đến 15 năm.

Ông Zelensky chỉ trích EU trong khi đạn pháo Nga tiếp tục dội vào Kharkiv

Xem thêm: Hai nghị sĩ Nga kêu gọi Tổng thống Putin chấm dứt 'chiến dịch' tại Ukraine

Đường vào NATO của Thụy Điển, Phần Lan tiếp tục bế tắc

Đàm phán giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ với phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan không đạt nhiều tiến bộ nhằm giải quyết sự phản đối của Ankara về việc kết nạp hai nước Bắc Âu vào NATO. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không rõ khi nào các cuộc đối thoại tiếp theo sẽ diễn ra.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu, cho biết Ankara hy vọng Thụy Điển và Phần Lan chấm dứt việc mà họ nói là "hỗ trợ khủng bố" thì Ankara mới chấp nhận hồ sơ gia nhập NATO của hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì để Phần Lan, Thụy Điển được vào NATO?

Xem thêm: Khi nào Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO?

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.