Gần 3 tháng sau khi chiến sự nổ ra, Bộ Quốc phòng Nga thông báo toán quân cuối cùng đã rời khỏi nhà máy thép Azovstal. Mặt trận ở Mariupol chính thức khép lại, cho phép Nga tập trung vào chiến sự ở Donbass.
Xe bọc thép Nga dẫn đường xe buýt chở lính Ukraine rời khỏi Azovstal |
reuters |
Tình hình chiến sự
Tại Mariupol, Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận 2.439 lính Ukraine đầu hàng ở nhà máy Azovstal trong vài ngày qua, bao gồm 531 người trong toán quân cuối cùng. Ukraine không bình luận về con số này.
Xác nhận trong video clip, chỉ huy Denys Prokopenko của Trung đoàn Azov cho hay dân thường và những người lính bị thương nặng đã được sơ tán khỏi nhà máy, trong khi lại không đề cập đến số phận của những người lính còn lại.
Sau khi tuyên bố chiến thắng đối với toàn bộ Mariupol, lực lượng Nga chuyển hướng chiến dịch, tìm cách kiểm soát những khu vực còn sót lại ở miền đông Ukraine.
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày thứ 87, Ukraine mất kiểm soát Mariupol, bức xúc với NATO |
Tại Severodonetsk, Tổng thống Zelensky mô tả việc Nga dội bom liên tục thành phố này là hành động “tàn bạo và hoàn toàn vô nghĩa”. Cùng với thành phố chị em Lysychansk, Severodonetsk là một phần của vùng lãnh thổ kháng chiến chống Nga của Ukraine ở Lugansk.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy lô hàng lớn gồm vũ khí Mỹ và châu Âu đang trên đường đến Donbass. Theo đó, tàu chiến Nga đã khai hỏa tên lửa hành trình Kalibr và tiêu diệt mục tiêu ở ga xe lửa Malin, phía tây Kyiv thuộc vùng Zhytomyr. Ukraine không bình luận về thông tin này.
Ngoại trưởng Ukraine: "NATO chẳng làm gì để giúp" |
Tên lửa Nga cũng bắn trúng một trung tâm văn hóa ở Kharkiv, làm bị thương 7 người. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (trụ sở tại Washington D.C) nhận định lực lượng Nga dường như đang có hành động xung quanh Kharkiv và dọc theo trục phía nam, nhằm chuẩn bị đối phó các đòn phản công của Ukraine.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga từng sử dụng vũ khí laser ở Ukraine. Vài ngày trước, Moscow nói rằng đã đưa vũ khí laser thế hệ mới xử lý thiết bị bay không người lái của lực lượng Ukraine.
Tổng thống Joe Biden nằm trong danh sách cấm nhập cảnh Nga |
reuters |
Nga cấm nhập cảnh tổng thống Mỹ
Hôm 21.5, Nga công bố danh sách đầy đủ về những đối tượng Mỹ bị cấm nhập cảnh nước này. Trong số 963 cái tên trong danh sách, có thể kể đến Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns.
Danh sách trên được Moscow công bố một giờ sau khi Tổng thống Biden ký thành luật khoản viện trợ gần 40 tỉ USD cho Ukraine. Gói viện trợ sẽ được chuyển đến Ukraine trong vòng 5 tháng, bao gồm khoảng 6 tỉ USD chi cho xe bọc thép và các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nói rằng cuộc chiến ở Ukraine chỉ có thể chấm dứt thông qua con đường ngoại giao. Hiện nỗ lực thương thuyết giữa Kyiv và Moscow vẫn trong tình trạng đình trệ và chưa có hướng giải quyết.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tiếp Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa ở Kyiv hôm 21.5. Bồ Đào Nha cho biết sẽ viện trợ 250 triệu euro cho Ukraine.
(trái) Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa đến Kyiv |
Reuters |
Diễn biến về kinh tế
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng xuất khẩu khí đốt cho láng giềng Phần Lan, sau khi nước này từ chối thanh toán bằng rúp theo yêu cầu của đối phương.
Tuy nhiên, Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin tiết lộ Ý và Đức thông báo cho các công ty nước này mở tài khoản rúp song song với tài khoản euro ở ngân hàng Gazprombank để tiếp tục mua khí đốt của Nga.
Sau khi tham vấn Ủy ban châu Âu, hai nước cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, bên nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ không vi phạm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) cho đến khi nào duy trì việc thanh toán bằng đồng tiền khác ngoài rúp.
Nga đang chi hơn 300 triệu USD mỗi ngày cho quân sự |
Các nguồn tin không đề cập cơ chế quy đổi euro sang rúp và ngược lại vào thời điểm thanh toán, chỉ biết rằng lệnh chuyển tiền không ghi rúp là được.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo hai nước để thảo luận về những lo ngại khiến Ankara vẫn chưa đồng ý để hai nước gia nhập khối.
Xem thêm tình hình chiến sự Ukraine:
- Chiến sự Ukraine ngày thứ 86: Nga dồn dập pháo kích miền đông Ukraine
- Chiến sự ngày 85: Thêm binh sĩ đầu hàng tại Azovstal, dự báo bế tắc kéo dài
- Chiến sự ngày thứ 84: Quan chức Nga nói quân đội dùng 'vũ khí laser' ở Ukraine
- Chiến sự ngày 83: Sơ tán tại Azovstal, Ukraine nói Nga tăng phạm vi chiến sự
- Chiến sự ngày 82: Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối Thụy Điển, Phần Lan vào NATO
Bình luận (0)