Chiến sự Ukraine: Pháo tự hành Đức gặp trục trặc, đồn đoán về kho tên lửa Nga

19/11/2022 08:08 GMT+7

Những khẩu pháo tự hành của Đức chuyển giao cho Ukraine đang phát sinh những vấn đề không mong muốn khi thiếu phụ tùng thay thế.

Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 của Đức

reuters

Tạp chí Der Spiegel ngày 19.11 đưa tin Đức đã bàn giao tổng cộng 14 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine, nhưng việc thiếu phụ tùng thay thế đang đe dọa khả năng hoạt động của vũ khí này.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Đức đã không kịp thời đặt hàng các gói phụ tùng thay thế để sửa chữa thường xuyên và duy trì hoạt động của chúng.

Trong khi đó, phần lớn các hệ thống pháo do Đức cung cấp đang cần sửa chữa do được sử dụng nhiều ở mặt trận phía đông Ukraine. Có thông tin cho rằng mỗi khẩu pháo tự hành này được Ukraine bắn đến 300 quả đạn mỗi ngày khiến chúng bị hao mòn nhanh.

Pháo tự hành của Đức gặp khó trên chiến trường Ukraine

Trước đó vào tháng 7, Der Spiegel lần đầu đưa tin về những hư hao của loại pháo tự hành trên đã lưu ý rằng việc phóng 100 quả đạn hằng ngày đã được xem là việc sử dụng cường độ cao, trong khi việc thiếu đạn khiến Ukraine dùng đạn không tương thích.

Gần đây, 6 khẩu pháo của Đức đã được đưa đến Lithuania để đại tu. Tuy nhiên, do các phụ tùng thay thế cần thiết không có sẵn, nên các kỹ thuật viên đã tạm thời để lại một khẩu đã tháo rời, còn 5 khẩu đại tu xong sẽ gửi đến Ukraine.

Cơ quan mua sắm của quân đội Đức gần đây cảnh báo về việc đặt hàng các gói phụ tùng thay thế cho các khẩu pháo. Việc thiếu phụ tùng cũng ảnh hưởng đến kế hoạch về trung tâm sửa chữa Đức dự định thành lập tại Slovakia vào tháng 12.

Vì sao Nga còn nhiều tên lửa?

Liên quan vấn đề vũ khí trong xung đột ở Ukraine, tờ The New York Times ngày 19.11 đưa ra nhận định về khả năng Nga tiếp tục có nhiều tên lửa để sử dụng.

Giới chức Ukraine và phương Tây từng nói rằng kho tên lửa của Nga đang cạn dần, nhưng đợt phóng ồ ạt hôm 15.11 với 96 tên lửa làm dấy lên nghi vấn.

New York Times giải thích vì sao Nga vẫn còn nhiều tên lửa?

Bài báo nêu những khả năng giải thích cho vấn đề trên, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 16.11 cho rằng Nga đã liên hệ với Iran và CHDCND Triều Tiên để bổ sung kho đạn dược. Nga và Triều Tiên đều bác bỏ cáo buộc này.

Công ty tình báo Janes (Anh) lại cho rằng Nga đang chế tạo thêm nhiều tên lửa, có thể sử dụng những vi mạch lưu trữ hoặc công nghệ khác bị Mỹ và các đồng minh cấm vận.

Lực lượng cứu hộ Ukraine chữa cháy tại một cơ sở hạ tầng trọng yếu ở tỉnh Kyiv hôm 15.11 sau đợt tấn công tên lửa của Nga

reuters

Chuyên gia Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Mỹ) cho rằng ít người tại phương Tây biết được Nga có bao nhiêu tên lửa, trong khi Moscow có thể giữ lại một số vũ khí đề phòng xung đột công khai với NATO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.