Chiến sự Ukraine sang trang mới

01/05/2022 07:00 GMT+7

Tuần qua đánh dấu thời điểm chiến sự ở Ukraine đã thực sự chuyển từ xung đột giữa hai quốc gia thành cuộc tranh đấu có thể kéo dài nhiều năm giữa các cường quốc.

“Chúng ta cần chuẩn bị về dài hạn”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu như vậy tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) trong tuần này. “Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài hàng tháng hay hàng năm trời”, ông nói thêm. Chỉ trong vòng vài ngày gần đây, quan điểm này đã xuất hiện ở cả Washington, châu Âu, Kyiv và Moscow.

Một người dân đứng bên đống đổ nát ở Mariupol

Reuters

Chiến lược mới, mặt trận mới

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Kyiv ngày 24.4 đã tạo tiền đề cho phương Tây “lún sâu hơn” vào xung đột Nga - Ukraine. “Chúng tôi muốn thấy Nga bị suy yếu đến mức không thể làm những việc mà họ đã làm (tại Ukraine - NV)”, ông Austin nói với các phóng viên tại Ba Lan sau khi kết thúc chuyến thăm Kyiv.

Với tuyên bố này, chính quyền Mỹ thể hiện rõ ràng hơn về sự chuyển hướng chiến lược tại Ukraine, dự báo về cuộc cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng lâu dài với Nga. Trên thực tế, sự chuyển hướng của Washington đã diễn ra trong vài tuần qua với những nỗ lực gửi vũ khí hạng nặng cho Kyiv bất chấp việc Moscow có thể cho đây là hành động tham chiến.

Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 66

Nguy cơ chiến sự ở Ukaine biến thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO là chuyện mà Mỹ và các đồng minh liên tục khẳng định muốn tránh. Song những ranh giới dường như đang mờ dần. Trong khi ông Stoltenberg cảnh báo chiến sự có thể kéo dài nhiều năm, Ngoại trưởng Anh Liz Truss kêu gọi các đồng minh NATO “lục tung kho vũ khí” để tăng cường chi viện cho Kyiv các loại khí tài mạnh mẽ nhất.

Tại Moscow, các quan chức cũng gợi lên viễn cảnh về một cuộc xung đột ngày càng lan rộng với phương Tây. Nếu Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố “NATO đã bước vào chiến tranh với Nga bằng con đường ủy nhiệm”, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cảnh báo phương Tây “đừng thách thức sự kiên nhẫn của chúng tôi”.

Việc Nga tạm dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27.4, động thái mà EU lập tức gọi là “tống tiền”, đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến. Đó là lĩnh vực năng lượng. Những tác động từ chiến trường này có thể khiến châu Âu rơi vào suy thoái, nhưng EU có khả năng sẽ thông qua lệnh cấm vận dầu khí Nga vào tuần tới.

Nguy cơ hòa đàm đổ vỡ, Nga và Ukraine chỉ trích lẫn nhau

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đề nghị quốc hội duyệt chi thêm 33 tỉ USD để hỗ trợ Ukraine trong những tháng tới. Cộng với các khoản hỗ trợ khẩn cấp trước đây, con số tổng cộng có thể lên đến 46,6 tỉ USD. Năm ngoái, Lầu Năm Góc ước tính tổng số tiền Mỹ đổ vào cuộc chiến của chính họ ở Afghanistan (2001 - 2020) là 816 tỉ USD, tức khoảng 40,8 tỉ USD/năm, theo The New York Times.

Đe dọa hạt nhân, ngoại giao băng giá

Nguy cơ chiến sự lan ra ngoài Ukraine lần đầu tiên được minh họa vào tuần này với những vụ tấn công bí ẩn ở Transnistria, vùng ly khai của Moldova nằm giáp biên giới Ukraine. Đây là một trong những khu vực tiềm ẩn bất ổn ở châu Âu, với sự hiện diện của lực lượng Nga từ đầu những năm 1990.

Một binh sĩ Ukraine tập bắn

Cùng với đó, những lời đe dọa về chiến tranh hạt nhân, tức Thế chiến 3, cũng xuất hiện nhiều hơn. Trong cuộc phỏng vấn hôm 25.4, ông Lavrov đáp trả tuyên bố của phía Mỹ về việc “làm suy yếu Nga” bằng cách cảnh báo rằng nguy cơ chiến tranh giữa các cường quốc hạt nhân là “có thật và chúng ta không được xem thường”.

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói Nga không nên có phát biểu quá khích như vậy, và việc quan chức cấp cao của một cường quốc hạt nhân buông những lời đe dọa liên quan đến loại vũ khí này là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Nga nói Ukraine có thể rơi vào "hố nợ" vì chương trình cho mượn-cho thuê vũ khí của Mỹ

Trong một diễn biến liên quan, sau vài lần nói về năng lực hạt nhân của Nga trong giai đoạn đầu chiến sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cảnh báo Moscow sẽ phản ứng “nhanh như chớp” nếu các nước khác can thiệp vào Ukraine. “Chúng ta có mọi công cụ cho việc này - những công cụ mà không ai có thể khoe khoang. Và chúng ta sẽ không khoe khoang. Chúng ta sẽ sử dụng chúng nếu cần”, ông nói với các nhà lập pháp ở St.Petersburg.

Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 29.4 cho hay Washington không tin Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể xa vời, thì một thực tế trước mắt là các nỗ lực ngoại giao vẫn chưa mang lại kết quả. Hy vọng lớn nhất trong tuần này là chuyến đi của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tới cả Moscow lẫn Kyiv. Song ngay khi ông Guterres đang ở Kyiv, thành phố đã bị lực lượng Nga không kích bằng tên lửa.

“Chiến tranh sẽ không kết thúc bằng các cuộc gặp. Chiến tranh sẽ kết thúc khi Nga quyết định chấm dứt và khi có được một thỏa thuận chính trị nghiêm túc. Chúng ta có thể hội họp gặp gỡ nhưng đó không phải là thứ sẽ khiến chiến tranh kết thúc”, ông Guterres nói với CNN.

Sống sót sau thảm họa diệt chủng lại phải rời Ukraine đi tị nạn

Ngoại trưởng Nga: NATO ép Ukraine “chọn phe”

Trong bài trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã được đăng ngày 30.4, ông Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và NATO sử dụng Ukraine như “một trong các công cụ để kiềm chế Nga” và đã bắt Kyiv phải lựa chọn “hoặc là phương Tây hoặc là Moscow”. NATO đang “làm đủ mọi thứ để ngăn chặn” việc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine, theo Ngoại trưởng Nga.

“Nếu Mỹ và NATO thực sự quan tâm việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, thì trước tiên, họ nên thay đổi quyết định và ngừng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Kyiv”, ông Lavrov nói, đồng thời cho biết Nga “ủng hộ” việc tiếp tục các cuộc đàm phán “đang không suôn sẻ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.