Nga tiến thêm tại Avdiivka
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh ngày 20.3, trong 3 tuần qua, lực lượng Nga đã có những bước tiến quanh thành phố Avdiivka, ngay phía bắc thành phố Donetsk.
Theo đó, chiến dịch tại đây chủ yếu do lực lượng của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng thực hiện vì đây là lực lượng địa phương và nắm rõ địa hình. Avdiivka là tiền tuyến trong xung đột tại miền đông Ukraine từ năm 2014 và giờ đã bị tàn phá nặng nề.
Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 389
Khu nhà máy than cốc Avdiivka được cho là có khả năng trở thành nơi phòng thủ chính khi chiến sự tiến triển. Tình hình tại Avdiivka tương tự như tại Bakhmut ở xa hơn về hướng bắc, nơi lực lượng Ukraine tiếp tục phòng thủ nhưng tuyến tiếp tế đang ngày càng bị đe dọa.
TASS dẫn thông báo của lực lượng khẩn cấp Nga ngày 20.3 cho biết lực lượng pháo binh Nga đã phá hủy 2 lựu pháo D-30 và Msta-B của Ukraine tại Kherson trong đêm 19.3. Tại Donetsk, Nga phá hủy 2 nơi bố trí vũ khí của Ukraine còn tại Kupiansk ở Kharkiv, Nga ngăn chặn một cuộc tấn công của phía Ukraine.
Quan chức Mỹ dự báo Ukraine sẽ phản công vào tháng 5
Trong khi đó, quân đội Ukraine nói đã tấn công 10 căn cứ tạm thời của lực lượng Nga trong vòng 24 giờ, đồng thời ngăn chặn gần 70 cuộc tấn công của Nga tại 5 khu vực.
Nga và Ukraine không bình luận về những tuyên bố của nhau.
Chủ tịch Trung Quốc đến Moscow
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thủ đô Moscow của Nga trong chiều 20.3, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến ngày 22.3 theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.
TASS dẫn lời phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp riêng tư không chính thức vào khoảng 16 giờ 30 hôm nay (20 giờ 30, giờ Việt Nam) và chương trình chính sẽ diễn ra trong ngày 21.3.
Ông Peskov cũng thông báo hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình Ukraine và kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Trong đó, Tổng thống Putin sẽ đưa ra những giải thích để Chủ tịch Tập nắm được quan điểm của Nga về tình hình hiện tại.
Ông Tập Cận Bình đề xuất hòa giải khủng hoảng Ukraine, ông Putin hoan nghênh
Nga công kích quyết định của ICC
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 20.3 cho rằng quyết định của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) về việc ra trát bắt giữ Tổng thống Putin sẽ gây hậu quả thảm họa cho luật pháp quốc tế, theo TASS.
"Họ quyết định xét xử tổng thống của một cường quốc hạt nhân không tham gia ICC với cùng lý do như Mỹ và các nước khác. Hậu quả của việc này đối với luật pháp quốc tế sẽ là thảm họa. Nó đồng nghĩa sự sụp đổ của những nền tảng, nguyên tắc luật pháp", ông Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram. Ông Medvedev còn đe dọa khi nói rằng có thể tưởng tượng ra tình huống trụ sở ICC tại The Hague (Hà Lan) bị một tên lửa bội siêu thanh của Nga tấn công. "Tòa án này chỉ là một tổ chức quốc tế nhỏ bé, không phải người dân của một nước NATO. Họ sẽ không dám khởi động một cuộc chiến tranh vì nó. Không ai cảm thông về điều đó", cựu Tổng thống Nga viết.
Nam Phi nói gì nếu ông Putin đến nước này sau lệnh bắt của ICC?
Ngày 17.3, ICC công bố lệnh bắt ông Putin với cáo buộc liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Động thái của ICC sẽ buộc 123 quốc gia thành viên của tòa phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ, và chuyển nhà lãnh đạo tới trụ sở của tòa án ở The Hague để xét xử.
Chính quyền Nam Phi vừa qua lên tiếng xoay quanh việc Tổng thống Putin sắp thăm nước này sau khi ICC đã ban hành trát bắt giữ ông Putin. Với tư cách thành viên của ICC, Nam Phi nói rằng nước này nhận thức được nghĩa vụ pháp lý của mình trong bối cảnh Tổng thống Putin có thể đến Nam Phi để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc) vào tháng 8.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin ngày 20.3 nói rằng quyết định của ICC không ảnh hưởng công việc của Tổng thống Putin và chính quyền Nga.
Tổng thống Putin giải thích lý do không tiến hành chiến dịch quân sự vào năm 2014
Bình luận (0)