Những ngôi sao livestream ‘làm mưa làm gió’ ở Trung Quốc
Những năm gần đây, bán hàng qua livestream bùng nổ tại Trung Quốc. Ở đất nước tỉ dân, người người, nhà nhà dễ dàng mua mọi thứ trên sóng livestream của các nền tảng lớn như: Taobao, Douyin (TikTok Trung Quốc), Kuaishou… Cũng từ đó, ngành thương mại điện tử xứ Trung chứng kiến sự lên ngôi của các “chiến thần livestream”: Vi Á, Lý Giai Kỳ, Xinba… Họ sở hữu hàng chục triệu người hâm mộ trên mạng xã hội và liên tục gây choáng với thành tích “chốt đơn” cực “khủng”.
Vi Á (tên thật: Huỳnh Vi) được mệnh danh là “nữ hoàng livestream” xứ Trung. Cô là một người bán hàng đầy quyền năng khi dễ dàng bán sạch bất cứ sản phẩm nào trên sóng phát trực tiếp chỉ sau ít phút ngắn ngủi. Người đẹp này thu hút hơn 18 triệu người theo dõi trên Weibo và hơn 80 triệu người theo dõi trên nền tảng mua sắm Taobao. Theo báo cáo của Protocol, Vi Á đoạt doanh thu hơn 31 tỉ USD trên kênh livestream của cô trong năm 2020. Những người theo dõi KOL này trên mạng đổ xô mua bất cứ thứ gì cô livestream, từ quần áo, các sản phẩm làm đẹp thậm chí cả bất động sản. Thậm chí, người đẹp 8X từng bán dịch vụ phóng tên lửa với giá 40 triệu nhân dân tệ (hơn 136 tỉ đồng) vào năm 2020. Trong ngày hội mua sắm 11.11.2021, cô gây choáng khi đạt 8,5 tỉ nhân dân tệ (gần 29.000 tỉ đồng) tiền hàng hóa.
Tầm ảnh hưởng khủng khiếp của Vi Á trong mảng bán hàng qua livestream khiến các doanh nghiệp từ trong nước đến quốc tế đều tích cực săn đón cô để “chiến thần” này bán sản phẩm của họ. Theo Bloomberg, ngay cả Tesla, Procter & Gamble hay Kim Kardashian, Miranda Kerr cũng tìm đến Vi Á để cô giúp giới thiệu những sản phẩm của họ đến người tiêu dùng Trung Quốc. Đáng nói, khi Vi Á được Time vinh danh trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất năm 2021, chính siêu mẫu Miranda Kerr là người viết phần mô tả về cô. Người đẹp 8X được đánh giá là một trong những người đang giúp định hình tương lai của ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Cùng với Vi Á, cái tên Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) cũng “khuynh đảo” mạng xã hội xứ Trung với những buổi livestream “cháy” hàng. Mỹ nam 9X được mệnh danh là “vua son môi” khi từng bán được 15.000 thỏi son trong vòng 5 phút. Ngày hội mua sắm 11.11.2021, buổi livestream kéo dài 12 tiếng của Lý Giai Kỳ trên Taobao đã được tạo ra doanh thu chung lên đến 1,7 tỉ USD (hơn 39.000 tỉ đồng). Li Jiaqi được các khách hàng yêu thích vì trực tiếp thử son trên môi của mình, làm việc tốc độ, nhanh gọn, ăn nói thuyết phục. Anh cũng được lòng nhiều người tiêu dùng vì sự thẳng thắn. KOL đình đám này không ngại chê bai các thương hiệu xa xỉ, giới thiệu những sản phẩm mà mình tâm đắc và thẳng thắn chỉ ra những sản phẩm không tốt. Chính điều này khiến những lời nói của anh có sức thuyết phục với hàng triệu người.
Theo The Guardian, báo cáo của Taobao cho thấy trong thời gian Trung Quốc phong tỏa vì dịch Covid-19 vào năm 2020, Lý Giai Kỳ là người livestream dẫn đầu trên nền tảng này trong 3 tháng liên tiếp. Trong một buổi phát trực tiếp vào tháng 4.2020, Lý Giai Kỳ và một MC nổi tiếng đã thu hút gần 11 triệu người theo dõi, đạt doanh thu 40 triệu nhân dân tệ chỉ trong vòng 2 tiếng. Năm 2021, anh được Time đưa vào danh sách Time 100 Next. Năm 2020, “chiến thần livestream” này tiết lộ mình có thể thực hiện 389 livestream trong 365 ngày và thường làm việc từ trưa đến 4 giờ sáng. Anh từng thử 380 thỏi son khác nhau trong một buổi phát trực tiếp kéo dài 7 tiếng.
Một cái tên gây sốt khác là Xinba (tên thật: Tân Hựu Chí) - “ông hoàng livestream” trên nền tảng Kuaishou, với gần 100 triệu người theo dõi. SCMP tiết lộ trong một buổi livestream kéo dài 12 tiếng vào tháng 3.2021, ngôi sao mạng này đã đem về doanh thu hơn 300 triệu USD (hơn 7.000 tỉ đồng). Được biết, buổi phát trực tiếp này thu hút 4 triệu lượt xem vào giờ cao điểm và Xinba đã bán được hơn 16 triệu mặt hàng. Trang tin trên nhấn mạnh doanh thu của Xinba trong đợt livestream này còn cao hơn doanh thu của trung tâm mua sắm Times Square ở Vịnh Causeway (một trong những nơi nổi tiếng về hàng xa xỉ ở Hồng Kông) trong cả năm 2020.
The Guardian dẫn nguồn công ty tư vấn quản lý McKinsey, bán hàng qua livestream chiếm khoảng 10% doanh thu thương mại điện tử ở Trung Quốc. Hình thức bán hàng này sôi động nhất vào dịp ngày độc thân 11.11. Các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử đặt trọn niềm tin vào những “chiến thần livestream”, họ thường tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để thương lượng với nhãn hàng mức giá hấp dẫn dành cho người hâm mộ. Song song với đó, đám đông sẵn sàng bỏ tiền mua những món đồ mà các KOL này rao bán vì tin tưởng vào lựa chọn của họ.
Khi ‘chiến thần’ dính ‘phốt’
Là những tên tuổi được săn đón không thua kém gì sao hạng A, những “chiến thần livestream” cũng tích cực làm đẹp hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Theo SCMP, Vi Á từng gây quỹ được 32 triệu USD vào năm 2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp tại Vũ Hán đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Cô cũng ghi điểm khi tham gia các chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, giới thiệu các sản phẩm từ những vùng quê nghèo của Trung Quốc, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn… Lý Giai Kỳ được lòng công chúng vì thường xuyên làm từ thiện, tích cực ủng hộ, quảng bá các sản phẩm Trung Quốc trong bối cảnh xu hướng dùng hàng nội địa phát triển mạnh mẽ. Xinba cùng nhiều tên tuổi khác trong ngành cũng được công chúng tán dương vì chăm làm thiện nguyện.
Chính sức ảnh hưởng của những tên tuổi này trên mạng xã hội, uy tín mà họ tạo dựng qua quá trình bán hàng và những hoạt động từ thiện khiến hàng triệu triệu người tiêu dùng xứ Trung tin tưởng vung tiền trong các livestream. Tuy nhiên, việc nhiều ngôi sao livestream vướng lùm xùm bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật đã khiến nhiều người nhìn nhận lại cách thức mua hàng này và đặt câu hỏi về nguồn gốc, chất lượng của những sản phẩm mà các “chiến thần” rao bán trên sóng trực tiếp.
Theo SCMP, năm 2020, Xinba từng livestream sản phẩm bán tổ yến chưng đường và nhanh chóng bị “bóc phốt” quảng cáo, bán hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ông hoàng livestream” của Kuaishou sau đó bị cơ quan quản lý phạt 900.000 nhân dân tệ (hơn 3 tỉ đồng) và bị Kuaishou chặn livestream trong vòng 60 ngày. Xinba sau đó đã công khai xin lỗi và đề nghị bồi thường cho người mua gấp 3 lần giá trị đơn hàng theo quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung Quốc.
Theo Sina hồi 2021, một công ty liên quan đến Lý Giai Kỳ đã bị cơ quan quản lý và giám sát thị trường tại Thượng Hải xử phạt vì quảng cáo, bán hàng sai sự thật. Trong buổi livestream, người bán quảng cáo một dụng cụ làm đẹp có tác dụng kích hoạt collagen toàn khuôn mặt, giúp da săn chắc, căng mịn, làm mờ các nếp nhăn rõ rệt trong 1 tháng. Cơ quan chức năng nhận định công ty này đã ra những lời quảng cáo phóng đại, gây hiểu lầm cho khách hàng và phạt 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỉ đồng).
Về phần Lý Giai Kỳ, “ông hoàng son môi” cũng từng bị nêu tên trong số những người bán hàng không đảm bảo chất lượng. Tháng 6.2022, Giai Kỳ bị tắt livestream khi đang giới thiệu bánh kem hình xe tăng. Sự việc gây nên làn sóng tranh luận lớn. Có thông tin rằng mỹ nam này bị cắt sóng phát trực tiếp vì sản phẩm này làm gợi nhớ đến sự kiện Thiên An Môn diễn ra hồi tháng 6.1989. Sau vụ việc, Lý Giai Kỳ mất hút khỏi mạng xã hội một thời gian. Mãi đến tháng 9 cùng năm, anh mới tiếp tục livestream trên Taobao.
Tên tuổi lớn như Vi Á cũng từng bị “bóc phốt” bán hàng không đúng như quảng cáo. QQ đưa tin hồi tháng 9.2021, “nữ hoàng livestream” xứ Trung từng livestream bán một loại bánh mì được quảng cáo là không đường, ít chất béo, tốt cho sức khỏe, không gây tăng cân… Tháng 8.2021, Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng thành phố Thượng Hải đã ban hành một văn bản công khai những thông tin sai sự thật về loại bánh mì này. Theo đó, thành phần dinh dưỡng thực tế không khớp với thông tin được in trên bao bì hay quảng cáo và có lượng calo cao hơn mức bình thường. Điều này nhanh chóng gây ra ý kiến tranh cãi. Nhiều người chỉ trích nhãn hàng kinh doanh không trung thực và cho rằng Vi Á cũng chỉ là nạn nhân trong vụ việc. Tuy nhiên, không ít ý kiến “ném đá” cô vì không chọn lọc kỹ sản phẩm trên livestream, cho rằng cả người đẹp này và thương hiệu bánh đều là lừa đảo từ đó tuyên bố tẩy chay nữ KOL.
Tháng 5.2021, Vi Á cũng gây xôn xao khi bán quạt và giới thiệu đây là sản phẩm hợp tác giữa thương hiệu Trung Quốc Guzi với hãng Supreme (Mỹ). Ngay hôm sau, một blogger thời trang nổi tiếng đã bóc mẽ đây là hàng giả vì Guzi là thương hiệu nhỏ ít được biết đến tại Trung Quốc, khó có thể hợp tác với Supreme nhất là khi hãng này chưa bao giờ kết hợp với bất kỳ thương hiệu nội địa nào. Trước màn “bóc phốt” gây bàn tán, Vi Á và nhãn hàng phải hoàn tiền lại cho khách hàng và nhanh chóng xóa livestream.
Không chỉ vướng lùm xùm bán hàng kém chất lượng, Vi Á còn bị phát hiện có hành vi trốn thuế. Tháng 12.2021, “nữ hoàng livestream” này bị phạt 210 triệu USD (hơn 4.900 tỉ đồng) vì hành vi này. Truyền thông Trung Quốc cho biết đây là mức phạt cao nhất mà cơ quan chức năng dành cho một người livestream ở nước này. Theo SCMP, người đẹp 8X đã bày tỏ sự hối hận về hành vi sai trái song tài khoản Weibo của cô nhanh chóng “bay màu” và Taobao nhanh chóng “cắt sóng” ngôi sao livestream này dù trước đó cô là “con cưng” của nền tảng.
Trước những rủi ro từ các “chiến thần livestream” như Vi Á, Lý Giai Kỳ, Xinba..., những nền tảng thương mại điện tử đang từng bước đào tạo lực lượng người bán hàng livestream mới, chuyên nghiệp nhằm tránh phụ thuộc vào những tên tuổi lớn kể trên. Trong khi đó Nikkei Asia tiết lộ rằng một số công ty xứ Trung đang phát triển việc bán hàng livestream thông qua những nhân vật ảo được tạo ra bởi AI. Cách thức mới này giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn hẳn so với việc thuê những tên tuổi đình đám về livestream. Bằng chứng là những ngôi sao trong lĩnh vực livestream bán hàng có thể yêu cầu khoản hoa hồng lên tới 40% doanh thu phát trực tiếp và tính phí dịch vụ hằng ngày lên tới 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỉ đồng).
Bình luận (0)