Khi He Chao băng vào dứt điểm tuyến hai mở tỷ số cho CLB Wuhan Three Towns ở trận gặp CLB Hà Nội tại AFC Champions League tối 8.11, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ, nhận trận thua thứ 6 liên tiếp ở mùa giải này cho đội bóng thủ đô.
Không chỉ thua kém về thế trận do thiếu hụt lực lượng và dao động tinh thần, mà ở trên sân, đội chủ sân Mỹ Đình cũng không có Joel Tagueu - tiền đạo đã ghi 5 bàn từ đầu giải. Hậu vệ trụ cột Duy Mạnh cũng chấn thương, buộc HLV Lê Đức Tuấn phải dùng cặp cầu thủ trẻ Vũ Tiến Long và Nguyễn Đức Anh ở hàng thủ. Đội hình chắp vá của CLB Hà Nội bị dồn ép trong hiệp 1.
Tuy nhiên, màn lội ngược dòng ngoạn mục trong hiệp 2 nhờ cú đúp của Tuấn Hải đã kéo CLB Hà Nội trở lại quỹ đạo. Hai bàn thắng của chân sút sinh năm 1998 đều được thực hiện gọn gàng. Một pha chạy chỗ đánh đầu cực hiểm khi bị cầu thủ Wuhan kèm rất sát, cùng pha xoay người rê bóng khéo léo rồi vẩy má ngoài tung lưới đối thủ.
Nhưng điều đáng nói ở CLB Hà Nội là cách tạo ra thế trận, để rồi hai bàn thắng này đến như một phần tất yếu của thế trận ấy. Đó là cách chơi đơn giản và trực diện. Thay vì kiểm soát bóng và chuyền ngắn, đội bóng thủ đô sử dụng nhiều đường chuyền dài, vượt tuyến để đưa bóng tiếp cận vòng cấm đối thủ càng nhanh càng tốt.
54 quả tạt, 18 đường chuyền dài (vượt trội đối thủ) được CLB Hà Nội sử dụng, đặc biệt trong hiệp 2 khi đội chủ nhà khoét sâu vào khoảng trống giữa trung vệ lệch cánh và hậu vệ cánh của CLB Wuhan. Tỷ lệ chuyền chính xác của CLB Hà Nội ở trận này là 79%, không quá cao, nhưng quan trọng là những đường chuyền đều hướng lên trên, rất ít đường chuyền ngang hay chuyền về.
Tốc độ triển khai bóng của Văn Quyết cùng đồng đội, nhất là khi chấp nhận những đường chuyền lên mạo hiểm thay vì chuyền về an toàn, là mấu chốt để CLB Hà Nội tạo ra áp lực lớn buộc CLB Wuhan mắc sai lầm ở khoảng thời gian cuối trận.
Dù vậy, thay đổi về lối chơi chỉ là một phần. Chiếc chìa khóa mở ra 3 điểm lịch sử cho CLB Hà Nội ở AFC Champions League là tinh thần thi đấu, với đại diện tiêu biểu là Xuân Mạnh và Tuấn Hải. Nguồn năng lượng dồi dào, tranh chấp quyết liệt và lối chơi không ngại va chạm của cả hai đã kéo cả "con tàu" CLB Hà Nội trở lại đường ray.
Nếu Xuân Mạnh thi đấu năng nổ, quyết liệt và khiến đối thủ phải nhận thẻ đỏ, Tuấn Hải đã chơi tốt khi được bó vào chơi ở vị trí trung phong. Nếu trong hiệp 1, tầm hoạt động của Tuấn Hải bị bó hẹp do phải dạt biên hỗ trợ cho tiền đạo cắm Herlison Caion, thì trong hiệp 2, chân sút 24 tuổi nguy hiểm hơn hẳn khi được đá mũi nhọn.
Các bàn thắng vào lưới CLB Wuhan đến từ kỹ năng chọn vị trí và dứt điểm tốt, nhưng trên hết, là tinh thần thi đấu không buông bỏ. Đó là sự chuyên nghiệp mà ông Lê Đức Tuấn nhắc tới trước trận, rằng dù gần như không còn cơ hội ở AFC Champions League, nhưng CLB Hà Nội phải chơi tận hiến.
Việc đá hết mình ở AFC Champions League khi vẫn đang "sa lầy" ở V-League là canh bạc với đội bóng thủ đô. Bởi thất bại ở đấu trường châu Á sẽ kéo theo sự mệt mỏi về thể lực lẫn tinh thần. Nhưng ngược lại, chiến thắng tại đây là cú hích tâm lý cực lớn, giúp đội đương kim á quân V-League tự tin trở lại.
CLB Hà Nội đã mở được nút thắt tâm lý. Dù lịch thi đấu trước mắt rất khó khăn với 3 trận gặp CLB Bình Dương, CLB Bình Định ở V-League và đối đầu Pohang Steelers, Urawa Red Diamonds ở AFC Champions League, nhưng ở cuối đường hầm, Văn Quyết cùng đồng đội đã nhìn thấy ánh sáng.
Theo thể thức AFC Champions League, 5 đội đầu bảng cùng 3 đội nhì xuất sắc nhất sẽ giành vé vào vòng sau. Trong trường hợp giành ngôi nhì, CLB Hà Nội vẫn cần so sánh chỉ số với các đội nhì bảng khác.
Cụ thể, đội nhì đang có nhiều điểm nhất là Shandong Taisan (bảng G) với 9 điểm, Melbourne City FC (bảng H) xếp sau với 7 điểm. Ulsan Hyundai (bảng I) và Jeonbuk Hyundai Motors (bảng F) cùng có 6 điểm, còn Urawa Red Diamonds (đội cùng bảng CLB Hà Nội) đang có 4 điểm, xếp cuối trong danh sách các đội nhì. Cửa đi tiếp của CLB Hà Nội do đó vẫn rất mong manh.
Bình luận (0)