Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc thông tin, các phương thức xét tuyển sớm của Trường ĐH Mở TP.HCM gồm: sử dụng kết quả học bạ (40%) và điểm thi đánh giá năng lực (20%).
Theo Thạc sĩ Trương Quang Trị, mỗi trường có phần mềm xét tuyển riêng để quản lý hồ sơ của thí sinh. Thí sinh cần điền hồ sơ lên phần mềm này để xét tuyển sớm. Tuy nhiên, đến tháng 7, các bạn phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT để được xét tuyển chính thức. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm, đến khi nào đủ chỉ tiêu thì sẽ không nhận hồ sơ.
Để trúng tuyển vào đúng ngành/trường yêu thích
Một học sinh đặt câu hỏi: "Em xét tuyển học bạ vào ngành khoa học dữ liệu của Trường ĐH Duy Tân và trúng tuyển, nhưng sau đó em lại muốn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, thì sau này em phải đăng ký lên hệ thống chung ra sao để chắc chắn trúng tuyển một trong 2 ngành này?"
Tiến sĩ Võ Thanh Hải tư vấn, nếu mong muốn học ngành công nghệ ô tô hơn thì em nên đặt ngành này trước nguyện vọng ngành khoa học dữ liệu trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Khi đó, nếu em đủ điểm trúng tuyển ngành công nghệ ô tô thì ngành khoa học dữ liệu sẽ bị loại. Trong trường hợp thí sinh không đủ điểm ngành công nghệ ô tô thì vẫn trúng tuyển ngành khoa học dữ liệu.
Học sinh đặt vấn đề: "Em dùng điểm học bạ để xét tuyển nhiều ngành thuộc khối ngôn ngữ tại Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM hoặc một ngành ngôn ngữ tại nhiều trường được không? Nếu em đậu hết các nguyện vọng xét tuyển này thì có cần xét điểm thi tốt nghiệp THPT nữa hay không? Và em có phải đăng ký hết các ngành đã trúng tuyển lên hệ thống?"
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên giải đáp, thí sinh có thể đăng ký 1 ngành, một nhóm ngành ở nhiều trường khác nhau. Các em có thể trúng tuyển một lúc nhiều ngành tại một trường hoặc một ngành tại nhiều trường. Nếu đã đậu xét tuyển sớm vào ngành các em mong muốn thì không cần xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp các em vẫn muốn sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thì nên đặt các nguyện vọng trúng tuyển sớm ngay sau nguyện vọng dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để không mất cơ hội trúng tuyển nếu điểm thi tốt nghiệp THPT của các em không đủ để trúng tuyển nguyện vọng 1.
Học sinh đặt câu hỏi: "Em học Trường THPT Trần Phú, TP.HCM và đạt học sinh giỏi 3 năm, có chứng chỉ IELTS 6.0, như vậy em có được ưu tiên xét tuyển vào Trường ĐH Mở TP.HCM hay không? Em chưa hiểu nếu được thì là chắc chắn đậu, hay còn phải xét từ trên xuống dưới?".
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc tư vấn: "Em đạt học sinh giỏi 3 năm và có IELTS 6.0 thuộc đối tượng ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi nhóm 1 của Trường ĐH Mở TP.HCM, đây là ưu tiên cao nhất trong nhóm xét tuyển học bạ. Chưa thể khẳng định em chắc chắn đậu nhưng do em thuộc nhóm ưu tiên cao nhất nên khả năng trúng tuyển rất cao".
Học sinh đặt câu hỏi: "Số lượng thí sinh dùng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nộp hồ sơ vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có đông không? Có phải phương thức nào càng ít người nộp thì cơ hội trúng tuyển càng cao? Điểm thi của em là 680 thì đăng ký ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu vào trường thì liệu có cơ hội đậu hay không?".
Thạc sĩ Trương Quang Trị cho hay, nhà trường đã nhận hơn 20% hồ sơ bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM với mức 550 điểm. Như vậy, 680 điểm là mức khá cao nên em có cơ hội đậu vào ngành mạng máy tính truyền thông.
Những sai sót khiến thí sinh không trúng tuyển vào ngành mong muốn
Theo thạc sĩ Võ Thanh Hải, trong những năm qua năm, không ít thí sinh có những sai sót đáng tiếc nên dù điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành, trường mà mình mong muốn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sai sót phổ biến nhất là khai sai đối tượng ưu tiên và khu vực. Nhiều thí sinh không được ưu tiên nhưng lại khai có điểm ưu tiên, lúc trúng tuyển, làm thủ tục nhập học, trường kiểm tra lại thì các em bị trừ điểm ưu tiên và trở thành rớt. Vì vậy, các em phải xét tuyển bổ sung và khi đó các ngành, trường có thể không còn chỉ tiêu xét tuyển.
Thứ hai là sai sót về mặt kỹ thuật trong thao tác đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Khi đăng ký lên hệ thống, thí sinh thực hiện chưa đúng hoặc chưa hoàn thiện quy trình. Các em đăng ký xong mà không nộp lệ phí xét tuyển hoặc không xác nhận nhập học lên hệ thống cũng sẽ mất cơ hội trúng tuyển.
Theo quan sát của thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, trong những năm trước, nhiều thí sinh trúng tuyển có điều kiện tưởng rằng mình đã chính thức trúng tuyển nên không đăng ký lên hệ thống Bộ GD-ĐT. Vì vậy, thí sinh lưu ý phải đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Nhiều thí sinh còn nghĩ rằng điểm sàn xét tuyển cũng là điểm trúng tuyển, nhưng điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn.
Bình luận (0)