Chiến thuật của Tổng thống Putin

26/12/2021 08:20 GMT+7

Trong cuộc đấu trí liên quan vấn đề Ukraine và an ninh Đông Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang tung chiến thuật khiến phương Tây đứng ngồi không yên.

Những tuần gần đây, căng thẳng Nga - Ukraine đã làm nóng nghị trường, kéo theo hàng loạt cảnh báo qua lại giữa Nga và phương Tây. Cùng với các dấu hiệu quân sự ở biên giới, Nga đang tạo ra tình thế khiến phương Tây cũng phải thận trọng trong những bước đi tiếp theo.

Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 23.12

AFP

Trong cuộc họp báo thường niên kéo dài 4 giờ đồng hồ hôm 23.12, vấn đề khủng hoảng liên quan Ukraine và quan hệ với phương Tây được xem là một trong những mối quan tâm lớn. Tổng thống Putin đưa ra thông tin rằng phía Mỹ đã nhất trí tổ chức họp về các vấn đề an ninh Đông Âu vào đầu năm 2022. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, về tổng thể chúng tôi đang thấy phản ứng tích cực. Đối tác Mỹ nói với chúng tôi rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu đối thoại ngay đầu năm sau tại Geneva”, ông nói trước phóng viên.

Thế nhưng, đó chỉ là một phần nhỏ trong thông điệp của nhà lãnh đạo Nga. “Quả bóng giờ đang ở phần sân của họ”, The Moscow Times dẫn lời ông Putin nói. Tổng thống Putin đã nêu rõ quan điểm rằng Nga coi căng thẳng ở miền đông Ukraine hiện nay bắt nguồn từ phía chính quyền Kiev và Moscow phải theo dõi những gì đang diễn ra tại nước láng giềng. Lâu nay, Ukraine và phương Tây luôn cáo buộc Nga là phía gây căng thẳng.

Nga rút hơn 10.000 quân sau cuộc tập trận gần biên giới Ukraine

Trong vấn đề an ninh, ông Putin tỏ ra cương quyết khi nhấn mạnh Nga sẽ không chờ đợi lâu và cho phương Tây nhiều thời gian để giải quyết các lo ngại an ninh. “Chính Mỹ đã đưa tên lửa tới ngay cạnh cửa nhà chúng tôi. Các ông yêu cầu tôi đưa ra các đảm bảo. Vậy thì chính các ông phải làm điều đó. Ngay bây giờ, ngay lập tức”, Tổng thống Nga tuyên bố. Ông khẳng định hành động của Nga phụ thuộc vào các mối đe dọa mà Nga phải đối mặt, trong đó Nga xem việc NATO mở rộng về phía đông là động thái không thể chấp nhận.

Tung hỏa mù

Tờ The New York Times phân tích những thông điệp xen kẽ giữa xoa dịu và răn đe của Tổng thống Putin là minh chứng cho thấy cách nhà lãnh đạo Nga có thể kiểm soát câu chuyện về tình hình căng thẳng ở Đông Âu, đồng thời khiến phương Tây phải không ngừng dò đoán ý định thực sự của ông.

Hồi tuần trước, Nga công bố một dự thảo thỏa thuận được xem là “tối hậu thư” đối với phương Tây, trong đó yêu cầu NATO không mở rộng thêm về phía đông châu Âu, không triển khai các động thái quân sự tại đây và không để các nước thuộc Liên Xô cũ trở thành thành viên của liên minh quân sự này.

Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây về Ukraine: Nga "không còn đường lùi"

Rất nhanh chóng, NATO từ chối yêu cầu của Nga. Tuy vậy, từ Washington D.C, chính quyền Tổng thống Joe Biden dù thận trọng trong phản ứng vẫn tuyên bố Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga vào tháng 1, miễn là Moscow dừng hành động mà Washington cho là hành động khiêu khích như đưa quân tới biên giới Ukraine.

Giới tình báo Mỹ gần đây cho rằng Nga đã triển khai hàng chục ngàn binh lính gần biên giới Ukraine với kế hoạch tập hợp một lực lượng lên tới 175.000 người. Thông tin này khiến Mỹ và phương Tây lo ngại Nga có thể phát động một cuộc chiến vào lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh mọi động thái quân sự tại biên giới đều vì an ninh quốc gia và Nga chỉ muốn được an toàn.

Ngoài ra, trong một động thái gần đây để đối thoại với phương Tây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley hôm 22.12 và người đồng cấp Anh Tony Radakin hôm 23.12. Tuy nhiên ngay trong ngày 23.12, Nga lại thông báo tổ chức một cuộc tập trận nhảy dù quy mô ở bán đảo Crimea.

Phong cách Tổng thống Putin

Cách ông Putin thể hiện quan điểm trong vấn đề Ukraine và an ninh Đông Âu như vậy khiến phương Tây cũng rơi vào thế không thể nóng vội trong bất kỳ hành động hay quyết định nào.

NATO không rút cam kết cho Ukraine gia nhập dù Nga kêu gọi

Chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 23.12 cũng nói rằng chưa rõ ý định thực sự của Nga liên quan đến việc triển khai binh lính. Dù liên tục nói rằng NATO đã gửi thông điệp rõ ràng tới Nga về hậu quả nghiêm trọng nếu Nga dùng vũ lực chống lại Ukraine, nhưng ông Stoltenberg vẫn nhấn mạnh ý định và mong muốn ngồi lại nói chuyện với Nga.

Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo trên thực địa có thể giúp Kiev phản ứng nhanh với các hành động tiềm tàng từ phía Nga, theo The New York Times dẫn lời các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ. Sự hỗ trợ này nếu được Tổng thống Joe Biden thông qua chắc chắn sẽ khiến Nga phản ứng. Các quan chức Mỹ gần đây tỏ ra thận trọng hơn để không leo thang căng thẳng với Nga dù vẫn cân nhắc cách thức hỗ trợ Ukraine.

Trong một diễn biến mới trên thực địa, Hãng thông tấn Interfax ngày 25.12 dẫn thông báo của quân đội Nga cho biết hơn 10.000 binh sĩ đã quay về căn cứ chính sau đợt tập trận kéo dài cả tháng tại nhiều vùng gần Ukraine. Quân đội Nga cho hay: “Phần phối hợp chiến đấu của các sư đoàn, các tổ chiến đấu, các tiểu đội của các đơn vị cơ giới... đã hoàn thành. Hơn 10.000 binh sĩ hành quân từ khu vực tập trận chung của các lực lượng về căn cứ thường xuyên của họ”. Các vùng này gồm có Rostov, Kuban và Crimea - nơi được sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.

Theo giới quan sát, những thông điệp “tung hỏa mù” của ông Putin cũng như giới chức Nga trong những ngày qua là chỉ dấu cho thấy ít có khả năng Nga mở cuộc tấn công Ukraine trong tương lai gần, nhưng đó là đòn răn đe từ phía Moscow. Từ phía phương Tây, các lựa chọn của Mỹ và NATO tới thời điểm này vẫn phải cân nhắc.

Cuộc họp báo marathon vừa qua là minh chứng cho thấy cách ông Putin duy trì hình ảnh một nhà lãnh đạo và một nước Nga mạnh mẽ, có thể xử lý nhiều vấn đề nan giải trong các mối quan hệ với bên ngoài. Nước Nga của ông Putin dẫn dắt không dễ dàng nhượng bộ. Phương Tây vẫn thường đưa ra những lời đe dọa về trừng phạt đối với Nga nhưng chính ông Putin nhiều lần nói rằng “Nga đã quen với việc sống cùng lệnh cấm vận”.

Cùng với việc đối đầu phương Tây, ông Putin cũng nêu ra những nét lạc quan trong quan hệ của Nga với các đối tác khác như Trung Quốc, Ý, Belarus… Về đối nội, nhà lãnh đạo Nga cũng nêu bật những thành tựu hồi phục kinh tế đã đạt được bất chấp đại dịch Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.