'Chiến thuật' nộp hồ sơ xét tuyển sớm để tăng cơ hội trúng tuyển

05/04/2023 07:24 GMT+7

Trong thời điểm này, các trường ĐH đã và đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng các phương thức học bạ và thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thí sinh cần lưu ý những vấn đề gì để không bị mất cơ hội trúng tuyển?

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những thông tin mới về xét tuyển năm 2023" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 4.4, được phát trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook Facebook.com/thanhnien, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên nhằm giúp thí sinh (TS) biết mình cần làm gì trong giai đoạn này.

CẦN TÌM HIỂU KỸ CÁC PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN CỦA MỖI TRƯỜNG

Hiện nay, xét tuyển sớm bao gồm các phương thức phổ biến như xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ưu tiên xét tuyển các chứng chỉ ngoại ngữ, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi... Hiện nhiều trường ĐH đã công bố thời gian nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM… Trong đó, các trường tham gia cổng đăng ký xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu nhận đăng ký từ ngày 5-28.4.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng TS cần lưu ý thực hiện đủ 2 bước độc lập của quy trình đăng ký dự thi và xét tuyển vào các trường bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.

'Chiến thuật' nộp hồ sơ xét tuyển sớm để tăng cơ hội trúng tuyển - Ảnh 1.

Chương trình tư vấn diễn ra ngay sau khi thí sinh nhận được kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM

NHẬT THỊNH

"Những TS dù thi ở đợt 1 hay đợt 2 cũng cần thực hiện việc đăng ký xét tuyển bằng điểm kỳ thi này vào các trường theo hệ thống chung của ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc trên cổng đăng ký riêng từng trường. Chẳng hạn, TS sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển vào Trường ĐH Tài chính - Marketing cần đăng ký đồng thời trên cổng chung của ĐH Quốc gia TP.HCM và cổng riêng của trường. Trên cơ sở đó, trường kết nối dữ liệu để xét tuyển đảm bảo công bằng nhất cho TS ", thạc sĩ Phụng chia sẻ.

Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, TS cần xem các trường nào sử dụng phương thức này, các mốc thời gian và quy trình, điều kiện xét tuyển ra sao. "Ngoài ra, nếu có điều kiện, các em có thể đăng ký thêm đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội, vì các em được sử dụng điểm thi nào cao hơn để xét tuyển, đồng thời cũng giúp các em có thêm kinh nghiệm và sự tự tin cho kỳ thi tốt nghiệp THPT", thạc sĩ Tư khuyên.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhấn mạnh TS nên tìm hiểu các phương thức xét tuyển sớm của các trường, trong đó có việc xét học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. "So với năm trước, phổ điểm không biến động quá nhiều. Nếu đợt 1 các em so sánh mức điểm của mình với điểm chuẩn vào ngành học mình muốn ở năm trước thấy chưa an toàn thì nên đăng ký thi đợt 2. Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, năm nay dự kiến điểm sàn xét tuyển thi đánh giá năng lực là 600, đối với học bạ, đến hết ngày 30.4 trường sẽ kết thúc đợt 1", thạc sĩ Nguyên cho hay.

Trong khi đó, thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin ngày 17.4 trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, học sinh giỏi... "Các em phải theo dõi rất cụ thể đề án, thông báo của từng trường về xét tuyển sớm do thời điểm bắt đầu và kết thúc nhận hồ sơ của mỗi trường là khác nhau, chưa kể phương án xét khác nhau như có trường xét 3 học kỳ, có trường 5 học kỳ, có trường thêm các điều kiện phụ... ", thạc sĩ Phúc lưu ý.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết trường tổ chức kỳ thi TestAs nhằm đánh giá năng lực học ĐH của TS. Thời gian đăng ký thi kết thúc vào 7.4 và tổ chức thi ngày 20.5. Nếu TS đậu và nhập học bằng phương thức này sẽ giảm 2% học phí năm học đầu tiên. Bên cạnh việc xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường còn xét điểm học bạ 5 học kỳ, trong đó 3 môn bắt buộc là toán, tiếng Anh, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong các môn lý, hóa, sinh, tin học, sử, địa.

'Chiến thuật' nộp hồ sơ xét tuyển sớm để tăng cơ hội trúng tuyển - Ảnh 2.

Các chuyên gia cùng trao đổi về lịch tuyển sinh nhằm giúp thí sinh có “chiến thuật” xét tuyển sao cho nhiều khả năng trúng tuyển nhất

MỐC THỜI GIAN CẦN LƯU Ý SAU KHI ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết kế hoạch tuyển sinh do Bộ GD-ĐT công bố đã đưa ra một số mốc thời gian quan trọng. "Năm nay quy trình xét tuyển không mới nhưng thời gian thực hiện được đẩy sớm hơn 10 ngày so với năm trước. Do đó, TS cần theo dõi thật kỹ để không bỏ mất cơ hội khi tham gia xét tuyển các phương thức của các trường trong cả nước. Với phương thức xét tuyển sớm, trước 17 giờ ngày 8.7 các trường ĐH sẽ chốt dữ liệu TS đủ điều kiện trúng tuyển đưa lên hệ thống. Đặc biệt là từ ngày 10-30.7, TS đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Đây là cột mốc rất quan trọng bởi sau thời gian này TS không còn quyền thay đổi nguyện vọng", tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Tiếp theo đó, từ ngày 12-20.8 các trường ĐH sẽ thực hiện lọc ảo chung trên hệ thống và công bố kết quả đợt 1 trong thời gian từ 20-22.8. Sau đó, TS xác nhận trên hệ thống của Bộ và xác nhận nhập học tại các trường.

"Từ nay tới trước khi thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển có điều kiện và trước ngày 5.7 các trường sẽ đưa danh sách này lên hệ thống của Bộ. Các em phải tốt nghiệp THPT thì việc trúng tuyển này mới có giá trị. Đồng thời, các em bắt buộc đăng ký trên hệ thống chung của bộ và tiến hành xác nhận nộp lệ phí thì mới chính thức trúng tuyển", tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng TS hoàn toàn có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sớm trong thời điểm này và có thể trúng tuyển ở tất cả các phương thức đó. Tuy nhiên thí sinh cần phải xác nhận chọn một kết quả để đăng ký lên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. "Nếu quên thao tác này thì mọi kết quả trúng tuyển có điều kiện trước đó đều không còn giá trị", thạc sĩ Tư nhắc nhở.

Nhiều ngành học mới

Năm 2023, Trường ĐH Mở xét tuyển 4 ngành mới gồm khoa học dữ liệu, tâm lý học, quản trị nhân lực (chất lượng cao) và kinh doanh quốc tế. Trường ĐH Tài chính - Marketing mở ngành học mới là công nghệ tài chính.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ Trường ĐH Văn Lang đang triển khai chương trình đào tạo mới là công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ tài chính và dự kiến mở ngành kỹ thuật hàng không. Bên cạnh đó là các chuyên ngành phát triển công nghệ game, công nghệ hoạt hình, quảng cáo, truyền thông dữ liệu.

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng mở 2 ngành học mới năm 2023 là Đông phương học và Thương mại điện tử.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ với 10 đợt, từ 1.5 - 23.8 và 3 đợt xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực từ 1.4 - 19.7. Trường năm nay mở các ngành mới gồm công nghệ tài chính, kinh tế số, du lịch số và tin - công nghệ sinh học...

Trong khi đó, thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường đang tuyển nhiều ngành học mới như tiếp thị số, nghệ thuật số, quan hệ quốc tế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.