Với cách viết giản dị có phần tưng tửng nhưng lại đậm đặc miêu tả và cảm xúc, đi kèm sự dàn xếp tinh xảo của tác giả khi đặt một chiếc hộp Pandora ở những chương cuối truyện, cuốn sách là một và nhiều câu chuyện bàng bạc cái chết và những đau thương ở những con người oằn xuống vì chiến tranh.
|
Là tiểu thuyết gia đình được ba đứa cháu xưng “chúng tôi” kể lại, Chiến trường vinh quang lần theo hồi ức và ấn tượng mà các thế hệ trước đã để lại trong tâm trí họ. Đó là ông bà ngoại Alphonse, ông bà nội Pierre và Aline, bà Mathilde, là một loạt cô dì chú bác anh chị em họ, trong một đại gia đình nhiều thành viên ở tỉnh này tỉnh kia mà người đọc nhanh chóng được làm quen và rơi vào một cơn rối. Lấy bối cảnh là vùng Loire-Inferieure, duyên hải phía tây nước Pháp, nơi thời tiết mưa phùn là đặc sản, Jean Rouaud thành thạo và khéo léo biến cái phông nhiều biểu tượng ấy thành một đặc điểm cố hữu của cả văn phong lẫn cốt truyện của mình: cái chết thì rây rây như bụi nước, một thứ “lặng lẽ rơi, ta không nghe thấy nó, không nhìn thấy nó, những ô cửa kính không lưu lại dấu vết của nó, mặt đất đón nhận nó một cách bình thản”.
Ở cái vùng đất ấy, những con mưa phùn kéo dài từ ngày này sang ngày nọ, không rầm rĩ, không ồn ào náo nhiệt, không thể thoái thác, bất khả tiến lùi. Mưa như thu hẹp khoảng cách trời và đất, và không gian thì bị kéo chập lại, một cách tuyệt vọng. Tất cả giam hãm trong một không khí đậm đặc hơi nước, sũng nỗi buồn đau, và sũng cả cái chết. Người dân quen với mưa như không để ý đến nó nữa, cũng như những số phận còn lại, quen và thấm cái chết vào đầu tóc, da thịt, cách hành xử, vào cả tâm thế cuộc đời.
Bật lên trong cái gia đình ấy, là hình ảnh ông ngoại tính tình đồng bóng lúc nào cũng như có như không, mơ màng và mông lung, không để tâm tới việc gì, dù đang lái xe đường dài chở bầy cháu ngoại, hay dù đi thăm con gái rồi bỏ đi chơi bặt một ngày không đoái hoài người ở nhà sẽ lo lắng ra sao, để rồi cuối cùng hóa ra ông bí mật đến một hòn đảo bên cạnh xem phụ nữ tắm tiên.
Không chỉ có ông ngoại là con người lập dị trong cái gia đình ấy, mà còn có bà Marie: một bà sùng đạo là giáo viên chuyên kèm cặp lũ trẻ con trong giáo xứ. Những hoài niệm đổ về, trên những trang viết đầy cảm xúc, về một bà cô Marie phong thái kỳ quặc đến lố bịch chuyên phân cho các vị thánh các chức năng để cầu nguyện: người thì phụ trách bệnh tăng nhãn áp, người thì đau ruột già, người thì cho hôn nhân, người thì cho công lý. Cũng chính bà cô này đã bắt tượng thánh quay mặt vào tường khi một lời cầu nguyện không thành hiện thực, khi cái chết của người thân là cái mà Chúa trời không chịu gia ơn cho bà.
Những ấn tượng của người ông người bà, trở về qua các ký ức phân mảnh của bọn cháu, thân thương mà mờ ảo, gần gụi trong cái nỗ lực phác họa lại chân dung họ. Rất nhanh chóng, câu chuyện không chỉ là hoài niệm về cách họ sống, mà còn cả cách họ chết, và người đọc, chợt nhận ra, cái chết được đề cập dày đặc như thế nào: từ rất sớm, ta đã được báo trước về cái chết của ông ngoại, cái chết của bà Marie. Như dòng nước cuốn, càng về cuối, “ba chúng tôi” như càng phơi ra, những điểm mờ đã bị che chắn kỹ, trong lịch sử cái gia tộc ấy: đó là cái chết của người bố, của ông nội và bà nội, và cả cái chết của hai ông bác trong chiến tranh, Joseph và Emile.
Chiến trường vinh quang, với cấu trúc lệch pha, chia làm 22 chương thì 17 chương đầu là miêu tả những con người trong gia đình, những kỷ niệm về ông bà, những chuyến đi chơi, những giới thiệu về đời sống và tính cách có phần dị thường của họ, để rồi, 5 chương sau, thì chiếc hộp Pandora được mở ra, trong hình dáng của chiếc hộp giày được truyền lại từ chính tay ông ngoại, ẩn chứa bao bí mật của cái gia đình vinh quang, như một trái bộc phá, dẫu vẫn bằng cái giọng văn mưa rây rây ấy, mà phơi bày cho người đọc, vì sao, một cách cụ thể, vào ngày 26 tháng 6 năm 1916, bà Marie đã vĩnh viễn mất kinh nguyệt và như một nữ tu suốt quãng đời còn lại. Quặt cả văn phong, dẫu vẫn giữ lại được nét hài hước, những chương cuối của cuốn sách trở nên đen tối và tàn nhẫn, là thời điểm những bụi nước chấn thương chiến tranh sũng đầy.
Lấy chiến tranh làm tâm điểm, nhưng lại khai thác ở một khía cạnh và bằng một phong cách khác hẳn, nơi nỗi đau thì sâu đến khó dò mà giọng văn thì bình thản và dí dỏm, Chiến trường vinh quang có lẽ đã chạm tới được những điểm nhạy cảm nhất: hẳn nhiên chiến trường nơi khí clo là vũ khí giết người hàng loạt và những lá phổi của binh lính bị xé toạc và tổn thương vĩnh viễn là những cảnh tượng thảm khốc không gì sánh nổi của Thế chiến thứ nhất, nhưng rồi sau đó, cái gì còn lại? Còn lại, là số phận những người thân, sống mà chống chọi với đau thương và nhớ nhung. Còn lại, những thân phận vĩnh viễn bị chiến tranh làm biến đổi.
Bình luận (0)