Chiều cao thanh niên Việt Nam tăng trung bình 3,5 cm so với 10 năm trước

15/04/2021 13:24 GMT+7

Theo kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất, chiều cao thanh niên Việt Nam thay đổi mạnh ở nhóm 18 tuổi, đạt 168,1 cm vào năm 2020, tăng 3,5 cm so với năm 2010 (165,4 cm).

Sáng nay, 15.4, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố kết quả điều tra toàn quốc về dinh dưỡng năm 2019 - 2020. 
Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, điều tra này thực hiện trên 22.400 hộ gia đình trên cả nước, cập nhật tình hình dinh dưỡng, mức tiêu thụ thực phẩm, qua đó cung cấp số liệu cho nghiên cứu để can thiệp dinh dưỡng hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Tuyên, "qua kết quả điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020, chúng ta có cơ sở khoa học xây dựng chiến lược can thiệp dinh dưỡng đến năm 2030 phù hợp với các nhóm đối tượng".
Kết quả điều tra cho thấy, chiều cao thanh niên Việt Nam thay đổi mạnh ở nhóm 18 tuổi. Chiều cao trung bình của nam giới 18 tuổi đạt 168,1 cm (năm 2020). Chỉ số này đã tăng 3,5 cm so với năm 2010 (165,4 cm).
Chiều cao trung bình nữ 18 tuổi đạt 156,2 cm (năm 2020), đã tăng 1,4 cm so với năm 2010 (154,8 cm).
Trong khi đó, những năm trước, trung bình chiều cao người trưởng thành Việt Nam tăng khoảng 1 cm sau mỗi thập kỷ.
Đáng lưu ý, chiều cao của thanh niên cải thiện đồng thời với tình trạng dinh dưỡng, sự thiếu hụt vi chất đã được cải thiện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em học đường (5 - 19 tuổi) đã giảm còn 14,8% (năm 2020). Năm 2010, tỷ lệ này là 23,4%.
Tuy nhiên, điều tra cũng cho thấy, nhiều vấn đề dinh dưỡng cần can thiệp hiệu quả hơn, trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020).
Đặc biệt,  thừa cân béo phì khu vực thành thị hiện đã lên đến 26,8%. Tại nông thôn, tỷ lệ này cũng ở mức cao: 18,3%; và miền núi là 6,9%.
Ngoài ra, tỷ lệ thiếu kẽm (vi chất liên quan đến tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhỏ) đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, với tỷ lệ 58% (ở nhóm trẻ 6 - 59 tháng tuổi), tại thời điểm năm 2020.

Khuyến nghị tăng thuế sản phẩm chứa nhiều đường

Tại lễ công bố, đại diện của Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng, tại Việt Nam, thanh thiếu niên trong độ tuổi 5 - 19 tuổi thừa cân béo phì vẫn tăng trong 10 năm qua. "Đáng lo ngại, tại đô thị, tỷ lệ này lên đến 26,8%, là tình hình khá khẩn cấp, cần can thiệp hiệu quả để giảm thừa cân béo phì", đại diện UNICEF đánh giá.
Tổ chức này cũng khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện tăng thuế sản phẩm chứa nhiều đường như các sản phẩm nước ngọt, vì các đồ uống này ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Nguồn thu từ việc đánh thuế này sẽ dành cho tái đầu tư can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em.
Theo đại diện UNICEF,  Việt Nam cần can thiệp dinh dưỡng cho nhóm dân số ưu tiên tại miền núi phía bắc, Tây Nguyên trong chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, do tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi tại các vùng này còn cao (37,4% và 28,8%).
Đồng thời, cần tìm ra cơ chế bảo trợ bền vững sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho cho trẻ suy dinh dưỡng, và về lâu dài cần được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Cùng với can thiệp dinh dưỡng hợp lý cho các gia đoạn phát triển (1.000 ngày đầu đời, lứa tuổi học đường...), để có được chiều cao tối đa khi trưởng thành, trẻ em cần được vận động thể chất, với thời gian khoảng 60 phút/ngày.
Người trưởng thành cũng cần duy trì hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, kiểm soát cân nặng, phòng  ngừa bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.