Chiều chiều lại tối - Truyện ngắn của Trần Thanh Bình

17/10/2021 06:15 GMT+7

“Gió đưa cây cải về trời Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” (Ca dao)

Khuyên khom mình chui qua hàng rào. Bốn chiếc dây màu đỏ giăng ngang. Đã ba tháng nay con hẻm vậy rồi. Cô vừa chui qua vừa khóc.

- Nhỏ Khuyên đi đâu vậy? Sao lại khóc? - bác Tư dân phòng hỏi.

- Ảnh đi rồi bác ơi - Cô bưng mặt, nước mắt giàn giụa. Chiếc nón lá tung giữa đường gió thổi lăn qua vũng nước mưa.

- Trời, sao lẹ dữ vậy. Mấy bữa nó còn gọi về mà… - bác Tư dồn hỏi.

- Dạ, họ mới báo con ra đây đón để nhận ảnh. Họ thiêu ảnh rồi bác ơi - Khuyên chực lăn ra giữa đường.

- Trời đất, tội quá. Còn hai đứa nhỏ đâu rồi?

- Dạ, trong nhà. Không ra đây được.

Khuyên nói vậy, nhưng một lúc sau thằng Tí lon ton chạy ra. Nó đi tìm mẹ. Nó vừa chạy vừa cười, cầm miếng chả nhai ngon lành. Con Tơ đứng đằng xa kêu ơi ới: “Tí trả đây chị, trả mau”.

Thằng Tí quay lại chọc tức chị, miếng chả đã lọt tỏm vô miệng. Nó ngọng nghịu “A ây nấy”. Ý nó ghẹo, kêu chị Tơ chạy ra đuổi lấy lại miếng chả.

Quẹo qua một đoạn hẻm, thằng Tí thấy cu Cườm đứng trong nhà nhìn ra, nó nói “ao i ón ba ao”. Cả câu nó chỉ nói được chữ ba là rõ nhất. Thằng Cườm xì một cái, nói “thằng ngọng” rồi quay ngoắt đi vô trong.

Minh họa: Tuấn Anh

Đứng đầu hẻm, Khuyên nhìn thấy con. Cô chạy lại la: “Đi vô nhà, mẹ mách chú công an bắt giờ”. Tí giơ hàm răng sún chỉ hàng rào: “Ào ồi, ông ó ông an”.

Khuyên ôm con thổn thức khóc. Một lúc sau quệt nước mắt, nháy nháy. Bác Tư biết ý dắt tay thằng Tí vô nhưng nó vùng vẫy, la “ón ba, ón ba”. Nên bác đành chịu!

Chiều xuống dần. Những giọt mưa cuối của ngày đã tạnh. Cái điện thoại cũ hôm nay lại giở chứng trục trặc, nên Khuyên phải nhờ điện thoại bác Tư nhắn: Xin đưa chồng tôi là… ở… về nhà thì gọi vào số máy này tôi đang chờ.

Xong cô ôm con, che gió cho nó và ngồi đợi.

Người điện thoại về nhà báo tin chuẩn bị ra đón để nhận tro cốt của Bá - chồng Khuyên, có lẽ không rành đường. Không biết trên xe có cán bộ phường đi chung không nữa. Nên Khuyên ngồi dựa tạm vào chiếc ghế nhựa của bác Tư hay ngồi canh ở đây. Màu trời buổi chiều sau mưa có hửng lên chút nắng nên đỏ quạch. Bác Tư lạch xạch quẹt mãi cái quẹt gas không đỏ, cứ ngó nghiêng ra đường nhìn chừng xe. Đi đi lại lại sốt ruột, xong nói với Khuyên:

- Trong nhà sắp sửa gì rồi, để bác vô giúp. Hay mày vô đi, để bác chờ rồi chạy vô kêu?

- Dạ, bà ngoại nấu cơm rồi, đang luộc trứng thì con ra đây - Khuyên lắc đầu - Con ở đây thôi, cũng chẳng có gì mà chuẩn bị.

Nghe bác Tư thở dài thiệt rõ. Ở đây chòm xóm đã hơn ba chục năm, bác rõ từng nhà như lòng bàn tay. Bá là tay lực lưỡng, khỏe nhất xóm Gà này. Nó nuôi một đám gà đá, chăm chút lắm. Nhưng chỉ cuối tuần mang đi đá ghẹo chơi với gà mấy xóm khác thôi, không độ đà gì cả. Công việc chính của Bá là lái xe cho công ty dệt may. Mỗi khi về nhà, nó lân la qua uống trà với bác Tư, rồi xóm giềng ai có việc gì nặng nhọc là xúm tay vô giúp.

Có mấy lần bác nghe con Khuyên la, nó cãi một hồi không lại, nói thõng một câu: không ở được thì hồi trước đừng lấy. Rồi vắt cái áo hậm hực qua nhà bác chơi, mặt quay ra hẻm xóm. Mấy lần vậy, bác lấy ra xị rượu ngâm, nói bác gái làm đĩa mồi, vỗ về an ủi. Một chặp sau là Bá giỡn hớt với con Tô-đi nhà bác. Xong ngật ngưỡng về. Nhà bên ấy nghe lặng yên.

Chiều chiều, ở cái xóm có nhiều phòng trọ này náo nhiệt lắm. Trẻ con chạy quẩn chân. Người lớn lao xao đủ chuyện trên đường đi làm về. Cô Thảo đối diện nhà bác Tư là người hay hóng chuyện, thường buông một câu sau khi ngồi lê đôi mách “đã nư”: Thiệt là vô lý!

Mà cái chuyện vô lý ngày ngày thì đầy rẫy. Ai cũng cố kiếm lấy một mẩu mang tự đẩu tự đâu mang về. Mấy thằng trộm chó bị đánh xơ xác tống vô đồn công an, ở ngoài quốc lộ bọn rải đinh ban đêm sáng ra thanh niên tình nguyện xách máy nam châm đi hút lên cả ký, ở ngoài Trung có ông đi rừng thấy xác trên cây kéo xuống rồi viết lại mảnh giấy cho chính quyền đến nhặt, gần đây là cô ca sĩ nổi tiếng bị nhiễm Covid-19 đang dậy sóng… Nghe chuyện gì, cô Thảo cũng buông câu cuối là vậy, rồi tan hàng ai nấy về ăn tối.

Không biết con Thảo nghe tin thằng Bá chết vì dịch Covid-19, nó có nói vậy không, bác Tư nghĩ ngợi.

***

Cả xóm ai cũng biết cô Thảo thích Bá. Mấy người về xóm ở mấy năm gần đây nghe kể, hồi ấy Thảo làm cave vũ trường nào đó bên quận 8, gần chợ Xóm Củi. Đẹp, nồng nàn mà giọng cười thì rất khác người. Nụ cười tràng dài của người hay say rượu như mấy cô trong phim ảnh. Cười kiểu chán đời, uống cho chết luôn đi. Mặc đời trôi đến nơi nào thì trôi.

Cười kiểu ấy khó tả tâm trạng lắm. Hồi mới nghe, bác Tư nghĩ vậy.

Một buổi chiều chạng vạng, nhà Thảo cúp điện cái rụp. Nghe tiếng cháy khét tỏa ra. Bá đang ngồi nghe bác Tư kể chuyện đời hồi năm nảo năm nào khi còn đi làm cai thầu xây dựng. Anh bước qua dóng hỏi: Có gì không cô Thảo? Chắc cháy cầu chì?

Minh họa: Tuấn Anh

Thảo ở trong nhà bước ra, tóc ướt nghiêng nghiêng cái khăn lau, nói:

- Không biết sao nữa. Anh vô coi giúp em được không? Em đang tắm thì vậy.

Bá bước lên thềm, ngó vô.

- Để tui về lấy cái đèn pin.

Bước trở qua, Bá lia đèn pin tay xách túi đồ nghề. Loay hoay sửa một lúc, điện bật sáng. Rồi trở ra ngồi nhâm nhi tiếp với bác Tư.

Ở bên nhà, lúc ấy bắt đầu nghe tiếng loảng xoảng. Bác Tư khều khều “Về coi sao mày”. Bá ghé tai bác nói một câu rồi cười: “Kệ, vợ con nó ghen đó mà”. Chút là hết thôi!

Từ đó, Thảo tự nhiên hơn với Bá. Cô càng tự nhiên thì càng nhận được nhiều cái nguýt lườm của Khuyên. Có Bá là khổ tâm nhất vì chẳng làm gì mà lại chịu tiếng. Nên anh tránh và rồi bác Tư chiều chiều lại phải ngồi một mình không có Bá qua nhâm nhi.

Mấy lúc ấy bác thấy đời trống vắng làm sao.

Một bữa, bác qua nhà kêu Khuyên, nói: Để chồng mày ra nói chuyện với bác chút.

Khuyên thưa:

- Dạ để ảnh dỗ bé Tơ ăn cơm, ảnh đi nó rầy rà lắm bác.

Bữa khác thì “Dạ, ảnh mới đi xa về, chắc mệt. Nghe nói mai phải đi sớm”. Bữa khác nữa “Dạ, bữa nay con Tơ sốt bác ạ”… Rồi dần dần xa. Bác Tư cũng không ngồi trước hiên nhà nữa. Bên nhà Thảo cũng vặn nhỏ ti vi. Chiều chiều, mặc cho xóm giềng ồn ã, bác ở trong nhà mở coi tuồng vọng cổ. Hết tuồng này tới tuồng khác…

Cho đến một hôm.

Khuyên mang bầu cu Tí lặc lè đi ra đi vô, cô đau bụng đẻ mà Bá vẫn chưa về. Bà ngoại thì về quê lo giỗ chạp họ hàng. Trước khi đi, bà đã ngần ngừ, Khuyên cứ giục không sao đâu má. Ai dè cô chuyển bụng sớm hơn dự sinh của bác sĩ.

Cũng may, bữa đó có Thảo ở nhà. Ông bà Tư với cô đưa Khuyên vô viện. Cô cầm tay dìu đi, Khuyên lúc đầu không chịu nhưng rồi cũng ngài ngại đưa tay. Bà Tư lăng xăng gói ghém, ông Tư kêu taxi. Lên xe, Thảo ngồi trước cứ ngoái lại động viên, bà Tư xoa xoa cái bụng bầu vượt mặt. Ông Tư muốn cười mà cứ lo, không biết sao, “lỡ sinh khó mà không có thằng Bá thì hơi mệt đây”, ông nghĩ.

Rồi Khuyên cũng mẹ tròn con vuông. Rồi Khuyên với Thảo cũng chị chị em em qua qua lại lại. Rồi cả xóm cũng dự đầy tháng thằng Tí đông đủ. Bữa ấy Thảo coi như chủ xị bếp núc.

Cậu Thắng, làm nghề trang trí nội thất, vô mấy ly bỗ bã:

“Ê Lương Sơn Bá, bữa đó gặp Chúc Anh Đài ở đâu mà quên vợ con luôn vậy mày?”. Bá cười: “Có mà tắt đài chớ ở đó mà chúc với anh. Xe tao bị mất phanh cắm ruộng mày”. “Ở đâu?”. “Cầu Thơm Rơm ở gần Cần Thơ”. “Rồi sao?”. “Ở cả đêm chờ cẩu chớ sao. May mà có ông bà Tư với…”.

Thảo bưng đĩa đi lên, đập vai Bá “uống với tui ly chịu phạt đi ông”. Bá lỏn lẻn cười “ờ thì uống, cảm ơn cô nghen”.

Cả xóm cười rộ. Ông Tư nâng ly nói: “Xí xóa hết nghe mày, thằng Bá. Con Khuyên nó sinh gái đầu trai út là nhất rồi nghen. Có thằng mọc chim là phải uống say”.

Chưa bao giờ xóm Gà vui như bữa đó. Vậy mà đã hơn ba năm…

***

Bác Tư hết ngồi rồi lại đi. Hết đi rồi lại ngồi. Khuyên thì nghe còi xe cấp cứu là giật mình, rồi ngồi thụp xuống. Lâu lâu nhóng đầu lên nhìn ra xa hút theo con đường, cô nhìn như cả dặm đời tìm Bá. Vô vọng!

Chiều lắm rồi. Sắp chạng vạng. Từ lúc ba giờ đến lúc này, đã có hai lần xe cấp cứu vào hẻm đưa thêm người đi. Họ tay xách nách mang. Có nhà đi cả gia đình. Có nhà một hai người. Tuốt vô khu cách ly đâu ở miệt Củ Chi. Bác Tư hỏi, một người mặc bộ đồ bảo hộ lụng thụng mệt mỏi nói vậy.

Thảo cũng đi cách ly mấy bữa trước. Một mình cô lủi thủi với phập phồng bao mùng mền, cái túi xách hôm sinh nhật Khuyên tặng. Và cái nhìn xa vắng vô hồn chẳng nhắm vào ai. Cổng mọi nhà đều đóng, có mấy đôi mắt lấp ló nhìn ra mà miệng ai cũng nghẹn ngang chẳng nói được gì.

Xóm Gà tan tác. Cô Lý tổ trưởng hôm qua báo tin bố mẹ cậu Thắng cũng đã ra đi. Cả nhà chẳng ai đưa tiễn được. Danh sách người nhiễm Covid-19 cô Lý nhắn cho cả tổ dân phố qua Zalo đã lên 12 người. “Mọi người tuyệt đối không ra khỏi nhà. Ai nhiễm thì tự chịu trách nhiệm”. Câu nhắn cô Lý như vết cắt ngang thân, ứa máu.

Nhà bác Tư đến bây giờ không hề hấn gì, nhưng bác buồn quá. Đêm bác ngồi hút thuốc phà khói qua khe cổng, hết điếu này đến điếu khác. Bác Tư gái cứ đi ra đi vào giục giã cũng mặc. Lâu lâu chép miệng “không biết thằng Bá con Thảo với mấy người giờ sao” làm bác cũng nôn nao theo.

Buổi sáng, ăn vội vàng tô mì gói hay chén cơm xong, bác Tư khoác cái áo có băng đỏ của tổ cộng đồng quày quả ra đầu hẻm canh. Bác trông chờ tin lành của xóm!

…Tiếng điện thoại bác Tư, rồi tiếng xe đỗ xịch ngay trước mặt. Khuyên như bừng tỉnh nhào ra, bác Tư níu tay lại. Một chú bộ đội bước xuống cùng với cán bộ phường. Nhòe đi trong mắt bác Tư là dáng Khuyên lúi húi chạy theo. Thằng Tí thấy chú bộ đội thì vùng chạy một mạch về nhà, vừa chạy vừa hét “ú ông an, ông ải ba, ông ải ba”.

Đi ngang nhà mình, bác Tư thoáng thấy bác Tư gái sụp xuống, tay níu thanh cổng nhìn ra.

***

Chuyện được kể qua lời ông già Tư ở một xóm nhỏ ngoại ô Sài Gòn, cũng trong chiều cách đây chưa lâu. Mỗi khi nhớ lại cái dáng chạy lon ton của cu Tí và nét hoảng hốt chịu đựng của Khuyên, trong lần đến thăm để lên danh sách cho một chương trình giúp trẻ mồ côi, lại nghe thắt đau một nơi nào đó trong mình.

Mai này, những lòng tốt của cuộc đời có cưu mang nổi bé Tơ, cu Tí và bao đứa trẻ bất hạnh ở đất Sài Gòn, khi đã qua cơn dịch giã khủng khiếp này không?

Không chỉ riêng tôi, chắc là bao người sẽ vẫn mải miết đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nghiệt ngã ấy!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.