Chiều chiều mây phủ Sơn Trà...

27/02/2012 03:15 GMT+7

Thời điểm thích hợp đến Sơn Trà luôn là dịp đầu xuân, khi thời tiết bắt đầu khô ráo, nhưng vẫn đầy sương vào buổi sớm mai hoặc xế chiều, khiến cho cảnh quan càng thêm lãng mạn.

Về mặt địa lý, Sơn Trà nguyên thủy là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao là Hòn Nghê, Mỏ Diều và Cổ Ngựa. Lê Quý Đôn từng chép trong Phủ biên tạp lục: “Phía đông liền biển, có một quả núi gọi là núi Sơn Trà, tục gọi là Hòn Nghê, tương truyền trên núi có ngọc, đêm đêm ngọc chiếu sáng xuống biển. Người dân ở đây kể rằng, tiên thường hay giáng xuống để tắm, chơi đùa nên cũng gọi là núi Tiên Sa”. Một người Pháp tên là Sallet hồi đầu thế kỷ 20 mô tả: “Loài nai thường xuất hiện, có cả heo rừng và khỉ. Những người châu Âu trong thành phố gọi chúng với cái tên khỉ Tiên Chà và người ta còn gặp loài khỉ này trên mỏm núi cao nhô ra biển…”.

Dần dần, nước biển mang phù sa bồi đắp nối từ đất liền ra đảo và tạo nên một bán đảo Sơn Trà như ngày nay. Chung quanh Sơn Trà có những bãi tắm đẹp và hoang sơ như bãi Tiên Sa, bãi Rạng , bãi Bắc, bãi Bụt, bãi Nam, bãi Nồm, bãi Xếp, bãi Con, suối Đá, suối Tiên… Gần đây, ngôi chùa Linh Ứng vừa được xây dựng với tượng Phật Bà Quan âm cao gần 70m và nhiều tượng La Hán bằng đá uy nghi tạo nên điểm đến cho những người theo đạo Phật khắp mọi miền đất nước. Sơn Trà còn có một đài ra đa quan sát biển đông, đài hướng dẫn bay, tháp phát sóng truyền hình, Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đồng Đình, vườn lâm sinh, các di tích lịch sử cận đại thu hút sự quan tâm của nhiều du khách...

Với hơn 4.000 ha rừng nguyên sinh, Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động - thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc, trong đó có nhiều cây dược liệu quý và các loài thú hiếm. Theo các nghiên cứu khoa học, hiện nay Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có hơn 160 con voọc chà vá chân nâu, một loại linh trưởng đặc biệt hiếm hoi trên thế giới, được gọi là "nữ hoàng" của các loài linh trưởng bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Nhiều cá thể khỉ mặt đỏ, vượn cáo mongoose vẫn còn trong các khu rừng nguyên sinh, vì vậy từ xưa Sơn Trà được gọi là Monkey mountains.

Ngoài những ghi chép của Lê Quý Đôn và Sallet, Sơn Trà còn ghi đậm dấu ấn của những chiến hạm Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam vào nửa thế kỷ 18, những cuộc chiến tranh đẫm máu với liên quân Pháp - Y Pha Nho sau đó, mà ngày nay vẫn còn lại di tích “đồi hài cốt” của những người lính viễn chinh xấu số. Từ năm 1965, khi quân đội Mỹ đến Việt Nam đã xây dựng ở đây một sân bay, một bệnh viện dã chiến, đài ra đa, đài khí tượng và các doanh trại trên đỉnh Sơn Trà… Tất cả những dấu tích của một thời Đà Nẵng mang danh là căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai ở miền Nam trong chiến tranh.

Còn đối với người Đà Nẵng như tôi, dù Sơn Trà ngày nay đã là khu du lịch tráng lệ với nhiều dịch vụ cao cấp, nhưng mỗi lần lên Sơn Trà nhìn về Đà Nẵng, hình ảnh của bán đảo vẫn sống động với những vần ca dao thấm đẫm hơi thở của một cộng đồng cư dân ven biển: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/Lòng ta thương nhớ bạn nước mắt và trộn cơm hay Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa...

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.