Chiêu dùng chó, ăng-ten, mật ong ngăn gấu tấn công người ở Nhật

21/12/2023 21:32 GMT+7

Hàng ngàn con gấu bị bắn ở Nhật Bản mỗi năm khi số vụ gấu tấn công gây thương vong cho con người ngày càng tăng.

AFP ngày 21.12 đăng một bài viết cho rằng những cuộc di cư của con người khỏi các vùng nông thôn, xã hội già hóa của Nhật Bản, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thức ăn và thời gian ngủ đông của gấu, đang thúc đẩy ngày càng nhiều con gấu đói khát đến gần các thị trấn ở nước này.

Khó có thể tìm được dữ liệu đáng tin cậy nhưng số lượng gấu dường như tăng vọt, một tờ báo ước tính số lượng gấu đã tăng gần gấp ba lần trong 11 năm tại một số nơi ở Nhật và số lượt nhìn thấy chúng đã tăng gần gấp đôi trong năm nay.

Tần suất các con gấu, trong đó có gấu nâu có thể nặng nửa tấn và chạy nhanh hơn con người, ngày càng tiếp cận gần với con người đã thu hút dư luận thời gian qua. AFP chỉ ra năm nay có thể là năm có tỷ lệ tử vong do gấu cao nhất đối với con người kể từ khi chính phủ Nhật bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2006, với 6 người thiệt mạng vì gấu tấn công. Ngoài ra còn có 212 người bị thương, cũng là một con số cao kỷ lục. 

Vấn đề còn tồi tệ hơn đối với gấu

Số liệu từ Bộ Môi trường Nhật cho hay trung bình trong 5 năm qua, có 4.895 con gấu đã chết mỗi năm. Tính đến ngày 30.11 có 6.287 con gấu đã chết trong năm tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3.2024. Riêng trong tháng 11 đã có khoảng 2.000 con gấu chết, thường là do bị bắn, theo AFP.

Ông Tanaka Junpei (50 tuổi), chuyên gia về gấu làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu động vật hoang dã Picchio (Nhật) dự đoán số gấu bị bắn trong cả năm tài chính này sẽ tăng lên tới 8.000 con. Tình trạng này đang gây ra sự lo lắng ở Nhật, vốn là một quốc gia luôn cho rằng con người đang sống hòa hợp với thiên nhiên.

"Trong một thời gian dài, người Nhật đã chung sống với động vật hoang dã. Họ tin vào sự hiện diện của các vị thần trong mọi loại sinh vật và tránh việc giết hại không cần thiết. Nhưng hiện nay, việc tách biệt khu vực hoang dã và khu vực con người trở nên khó khăn do sự thay đổi về môi trường, thay đổi cấu trúc xã hội và thay đổi lối sống của người dân", ông Tanaka nhận định.

Chiêu dùng chó, ăng-ten, mật ong ngăn gấu tấn công người ở Nhật- Ảnh 1.

Chuyên gia về động vật hoang dã Junpei Tanaka và chó gấu Karelian tên Rela của ông áp dụng những cách tử tế hơn và thông minh hơn để giữ an toàn cho cả con người và gấu ở Nhật

AFP

"Rất đáng tin cậy"

Ông Tanaka cho hay dự án của ông ở Karuizawa, thị trấn được bao quanh bởi rừng cây, là "hình mẫu" của những gì có thể làm mà không cần phải giết gấu. Vào lúc khuya, khi những con gấu hoạt động tích cực nhất, ông Tanaka thực hiện các phương pháp mà ông cho là giúp đảm bảo an toàn cho cả con người lẫn gấu.

Ông Tanaka và nhóm của mình đặt bẫy thùng, có mật ong bên trong, để bắt bất kỳ con gấu nào không sợ con người. Chúng được gắn một chiếc vòng cổ vô tuyến rồi được thả ra rất xa. Thị trấn Karuizawa cũng đã lắp đặt các điểm thu gom rác chống gấu và kêu gọi người dân địa phương nâng cao ý thức.

Yếu tố quan trọng trong nỗ lực không làm chết gấu là con chó tên Rela của ông Tanaka và phần còn lại của đội chó gấu Karelian được huấn luyện đặc biệt. Chó gấu Karelian là một giống chó mạnh mẽ và dũng cảm có nguồn gốc từ Phần Lan. "Chúng là những nhân viên rất đáng tin cậy của đội. Chúng là đồng nghiệp của chúng tôi", ông Tanaka chia sẻ với AFP.

Chiêu dùng chó, ăng-ten, mật ong ngăn gấu tấn công người ở Nhật- Ảnh 2.

Chó gấu Karelian tên Rela của chuyên gia về động vật hoang dã Junpei Tanaka

AFP

Picchio đã mua lại mẹ của Rela từ Viện Gấu Wind River ở Mỹ. Người sáng lập của viện này là nhà sinh vật học gấu Carrie Hunt đã đi tiên phong trong việc sử dụng chó để kiểm soát gấu.

Khởi hành trên chiếc xe nhỏ của mình trước bình minh, ông Tanaka trước tiên dùng một ăng-ten dài một mét để xác định vị trí của bất kỳ con gấu nào gần đó được trang bị vòng cổ vô tuyến. "Con có mùi gấu à? Được rồi, đi thôi!", Tanaka nói bằng tiếng Anh với Rela.

Sau đó, ông Tanaka và Rela đi ra ngoài ngọn đồi và một khi họ tìm thấy một con gấu, Rela sủa dữ dội và xua đuổi con gấu đi.

Chiêu dùng chó, ăng-ten, mật ong ngăn gấu tấn công người ở Nhật- Ảnh 3.

Chuyên gia về động vật hoang dã Junpei Tanaka dùng ăng-ten để xác định vị trí của con gấu

AFP

Phương pháp duy nhất ở Nhật

Quan chức Tsuchiya Masashi ở Karuizawa khẳng định phương pháp đuổi gấu như trên là duy nhất ở Nhật Bản, theo AFP. "Gấu là loài động vật nguy hiểm, và đúng là chúng tôi đã nhận được một số ý kiến từ người dân địa phương rằng nên giết gấu. Nhưng nhờ chương trình của Picchio, chúng tôi đã học được rằng chúng tôi có thể kiểm soát và giám sát các kiểu hành vi của gấu bằng cách xác định từng con, gắn vòng cổ vô tuyến và đuổi chúng ra khỏi thị trấn", AFP dẫn lời ông Tsuchiya.

Nhật Bản có hai loài gấu. Xung quanh Karuizawa đều là gấu đen châu Á, còn được gọi là gấu mặt trăng, và những con gấu nâu lớn hơn sống ở hòn đảo Hokkaido ở phía bắc của Nhật.

Chiêu dùng chó, ăng-ten, mật ong ngăn gấu tấn công người ở Nhật- Ảnh 4.

Một con gấu đen châu Á bị bắt ở tỉnh Nagano, Nhật Bản

AFP

Gấu mặt trăng luôn sống trong rừng và không thích bị nhìn thấy trong khi gấu nâu to hơn lại hay ra ngoài. Ngoài ra, trong khi gấu nâu tấn công "vô tội vạ" thì gấu mặt trăng lại không làm như thế. "Hầu hết chúng đều chạy trốn khỏi con người. Nhưng một khi chúng gặp rắc rối với con người và trở nên hoảng sợ, chúng sẽ tấn công. Và chúng không rút lui", ông Tanaka nói về gấu mặt trăng, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.