Theo ghi nhận của người viết, chiều 10.10, tại TP.HCM đổ cơn mưa bất chợt. Nhiều tài xế đã tắt app đứng trú mưa ở các hiên nhà có mái che, trạm xe buýt…
Trên đường Đặng Văn Bi, TP.Thủ Đức, TP.HCM, một nhóm tài xế đang đứng chờ tạnh mưa. Anh Ngô Ngọc Hùng (33 tuổi), ngụ ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 chia sẻ mọi người nơi đây đều không quen biết, nhưng đi lỡ đường nên tấp vào để trú mưa. "Ban đầu, trời mưa to nên mình chạy vô đây, chờ tạnh rồi chạy tiếp. Ở đây, có một số anh em quên mang áo mưa cho mình và khách cũng tấp vào trú", anh Hùng nói.
Vừa đợi tạnh mưa, họ ngồi lướt mạng, trò chuyện. Trời mưa to hơn, khu họ trú bắt đầu đông dần, đầy đủ màu áo của các hãng xe ôm công nghệ như vàng, xanh, lẫn nhiều app giao hàng, đồ ăn.
Anh Trần Văn Hiếu (35 tuổi), ngụ ở đường Võ Văn Ngân, TP.Thủ Đức, TP.HCM bộc bạch: "Mưa mà chạy xe cũng không được bao nhiêu nên nhiều tài xế như mình chọn cách tắt app. Ở Thủ Đức thường xuyên bị ngập nước, tắc đường khi mưa to nên ai cũng hãi khi chạy vào thời tiết như thế. Có nhiều lần mình chứng kiến cảnh xe bị trôi do nước cuốn, rồi mọi người té xe… Mình cảm thấy không đáng nên cũng tắt app", anh Hiếu nói.
Trong khi đó, Nguyễn Quốc Doanh (30 tuổi), ngụ ở Hương lộ 3, Q.Bình Tân, TP.HCM chia sẻ trời mưa chỉ có những người bị áp lực về kinh tế mới sẵn sàng chạy xe. Theo anh Doanh, chạy xe dưới trời mưa rất bất tiện. Tài xế dễ bị bệnh, di chuyển khá khó khăn. Trời mưa còn ảnh hưởng đến tầm nhìn lẫn khả năng lái xe.
"Trời mưa, nhiều app vẫn giữ nguyên giá chứ không tăng để hỗ trợ tài xế nên đa số các bác tài sẽ lựa chọn cách tắt app. Một cuốc chạy không có bao nhiêu tiền nhưng lại bị kẹt xe, ngập nước, dễ té… Đôi khi mình đi vào đúng khu vực mưa lớn thì xe dễ bị vào nước, chi phí sửa xe khá cao", anh Doanh nói.
CẢNH BÁO: Sấm sét, mưa to ở TP.HCM, Nam bộ và Tây nguyên
Phải làm gì khi chạy xe vào mùa mưa?
Theo anh Doanh, nhiều tài xế vì gánh nặng mưu sinh nên cố gắng chạy xe. Doanh cũng vậy, trừ khi nào mưa rất lớn anh mới nghỉ. Tuy nhiên, nếu bắt gặp chỗ nào mà nước ngập quá, anh từ chối chạy luôn để đảm bảo an toàn.
Anh Doanh cho biết khi chạy xe vào trời mưa, tầm nhìn của tài xế bị hạn chế. Chưa kể, dù mặc áo mưa rất kỹ nhưng khi mưa lớn nước cũng tạt vào người, dễ bị cảm lạnh. Chưa kể, áo mưa cánh dơi có tà khi gió lớn rất dễ thổi vào chiều ngược lại rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, đường sá trời mưa rất trơn, gây ra tình trạng dễ trượt té nguy hiểm. "Mình đã từng chứng kiến việc trời mưa khiến nhiều xe bị trơn dẫn tới ngã, gây ra tai nạn", anh Doanh nói.
Anh chỉ thêm vấn đề trở ngại quan trọng nhất, đó là nhiều khách hàng than phiền trời mưa không đặt được xe, trong khi giá cũng... nhảy múa. "Trời mưa khiến nhiều tài xế tắt app. Vì thế, số lượng tài xế ít, dẫn tới nhu cầu của khách cao. Có khi khách đặt xe mà khoảng cách đi rước tới 2, 3 km, mình chạy gần tới thì họ bấm hủy chuyến. Chi phí khách trả thì cao mà cước phí tài xế chúng mình nhận được lại không được bao nhiêu nên riết ai cũng nản. Mọi người chọn cách tắt app rất nhiều", anh Doanh cho biết.
Anh Doanh mong muốn các app đặt xe sẽ điều chỉnh cách phát cuốc cho tài xế đón khách gần một chút để dễ di chuyển trong mưa. Có cuốc xe chỉ 30.000 – 40.000 đồng nhưng tài xế phải lái trong trời mưa mịt mù 3, 4 km để đón khách. Bên cạnh đó, các app có thêm chi phí để hỗ trợ tài xế chạy xe trong lúc trời mưa để khuyến khích anh em.
Theo anh Doanh, các tài xế rất đầu tư cho trang phục, dụng cụ để chạy xe mùa mưa. Anh đã mua một bộ áo mưa bộ hơn 200.000 đồng để bảo vệ sức khỏe. Bên ngoài, anh còn khoác thêm một chiếc áo mưa cánh dơi.
Còn Nguyễn Lê Quốc Thái (20 tuổi), sinh viên của một trường đại học, hiện ở trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình thì trang bị dù mini để che điện thoại, áo mưa dành cho phượt thủ, dép tổ ong… Thái cho rằng việc chuẩn bị dép rất quan trọng để tránh tình trạng trơn trượt khi di chuyển trong mưa.
"Mình là sinh viên nên cần thêm chi phí để trang trải cho việc học tập, đóng tiền trọ, mua sách vở… nên sẽ cố gắng chạy. Nhưng nếu mưa to, gió lớn như cách đây vài hôm, mình sẵn sàng tắt app đứng một chỗ trú mưa để bảo vệ bản thân", Thái chia sẻ.
Bình luận (0)