Chiều qua ngã ba Bầu...

21/12/2019 00:00 GMT+7

,

Khi đặt bút làm bài thơ Viết cho những lưu dân thế kỷ 21, vào trước Tết Nguyên đán 2014, tôi có nhiều dịp đến ngã ba Bầu, điểm giao cắt giữa Q.12 và H.Hóc Môn (TP.HCM), để lấy cảm hứng về những bà mẹ vào Sài Gòn chăm cháu. Và biết nơi mảnh đất này, có nhiều người mẹ đã bao đêm dài ôm cháu vào lòng, thao thức chờ con...

Nỗi lòng xa xứ…

Q.12 có 13 phường trực thuộc, có QL22 xuyên qua để đi lên hướng Củ Chi và xa lộ vành đai ngoài (nay là QL1A), các tỉnh lộ 9, 12, 14, 15,16 và hệ thống hương lộ khá dày. Quận cũng có sông Sài Gòn bao bọc phía đông, thuận tiện cho giao thông thủy, có gần 10 khu đô thị mới đã được xây dựng hoặc đang triển khai, đáp ứng nhu cầu nhà ở và tiện ích sinh hoạt cho người dân
Bài thơ với đoạn kết viết rằng: “Buổi tối người đàn bà chong mắt/Dém mùng cho cháu rồi nằm thao thức…/Những đứa con về chưa?/Những đứa con về chưa?”. Cái tứ thơ của đoạn kết này, với những câu hỏi mòn mỏi là cảm xúc từ câu chuyện một người bạn đồng nghiệp của tôi trước đó đã từng phải nhờ rao đi rao lại trên đài truyền thanh của quận cho đến Đài truyền hình TP.HCM, để tìm một bà dì từ miền Trung vô chăm cháu, một ngày bước ra ngõ và đi lạc 2 ngày 1 đêm. May sao, có người đồng hương gặp được ở chợ ngã ba Bầu, nhận ra và đưa về nhà vợ chồng người con đang ở trọ, để đi làm công nhân…
Ngã ba Bầu thuộc P.Tân Chánh Hiệp (Q.12), như một vùng đất “chứng nhân” cho cuộc sống của bao lưu dân ở nhiều miền đất nước vào đây tha phương mưu sinh. Nơi ấy, chẳng bao giờ có ai đọc hết được nỗi thao thức trăn trở của những người mẹ. Cũng giống như các phường khác của quận, trải dài từ An Phú Đông, băng qua Thạnh Lộc, Thạnh Xuân rồi ngược lên Thới An, Hiệp Thành để qua Tân Chánh Hiệp…những tên đất tên vùng ấy, có thể là tên của cả vài ba thế kỷ trước để lại, có thể là tên mới đặt. Nó như một vòng tròn chuyển động đưa đẩy những phận người tìm đến đây với quyết tâm gầy dựng một cuộc sống để mong sao mai này được yên ấm.
Chiều qua ngã ba Bầu...

Chợ Ngã ba Bầu, mỗi ngày chỉ họp buổi sáng

Một ngày, tôi cùng 2 người bạn đi theo ngã tư Bình Phước, điểm giao nhau giữa QL1A và QL13, về An Phú Đông, nơi có những vườn lài trải dài phía bên tay trái của QL1A, để vào thăm một người được người dân quanh vùng đặt cho biệt danh là ông Sáu vườn lài. Ông Sáu người sở tại, đất vườn mênh mông. Trong đêm trăng sáng ấy, dưới hương lài ngào ngạt và được thưởng thức rượu ngon, chúng tôi đã có một buổi tối chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một dải đất nằm ở phía đông bắc Q.12, rất khó quên!
Q.12 được chia ra từ một phần của H.Hóc Môn cũ vào tháng 4.1997, phía tây bắc thành phố. Kể từ đó, nhiều vùng đất nông nghiệp đã sớm trở thành các dự án phân lô nhà phố hoặc biệt thự. “Cơn lốc” đất nền dự án phân lô đã đem đến cơ hội cho nhiều người dân bản địa, bởi họ nắm trong tay rất nhiều đất do cha ông để lại. Một trong số những người tôi biết tên là B., ngụ ở P.Thới An, vừa lấy ruộng nhà phân lô, vừa mua gom đất ruộng của bà con, mà sớm trở thành tỉ phú. Nhưng, cái cách B. làm ăn cũng khác người. Khi có nhiều đất, nhiều tiền trong tay, B. đã không ngần ngại chia sẻ với nhiều người dân trôi dạt từ nơi khác đến. Ai thiếu nhà thì B. cho thêm ít tiền xây nhà, ai tha hương thiếu việc làm thì B. tìm cách “đẻ” việc ra để thu nạp cho họ có kế sinh nhai. Mà trường hợp tôi biết rất rõ là một đôi vợ chồng giáo viên về hưu người ngoài bắc, dắt díu vợ vào nam để kiếm sống, lo cho 2 người con theo học đại học ở Sài Gòn!
Vì vậy, tôi đã không ít lần hàn huyên với B. để tìm hiểu về cái cách mà người đàn ông này cưu mang một số người xa xứ, giúp vợi bớt đi những nỗi lo cơm áo của họ.

… và cho một tương lai !

Không chỉ phát triển bằng cách phân lô tự phát, hoặc các khu đô thị được duyệt quy hoạch hẳn hoi, chính quyền TP.HCM đã kịp thời khoanh vùng một khu vực rộng lớn
43 ha ở Q.12 để xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), đưa vào hoạt động năm 2001, thuộc P.Tân Chánh Hiệp, cách trung tâm TP.HCM 15 km. Để đáp ứng với trào lưu phát triển của công nghệ phần mềm, nơi đây được xem như một khu công nghiệp tập trung chuyên ngành công nghệ thông tin, chia ra thành 10 khu vực, có nhiệm vụ bổ trợ cho nhau trong nghiên cứu và ứng dụng phát triển.
Buổi chiều dong xe từ Gò Vấp chạy qua cầu vượt Quang Trung bắc qua QL1A để đến Tân Chánh Hiệp, tự dưng trong tôi lại có một liên tưởng khá thú vị. Theo vòng quay xe, vượt qua khu QTSC hoành tráng rợp bóng cây, theo đường Tô Ký tôi đi về phía chợ ngã ba Bầu. Nơi đây thường mỗi sáng là vựa bắp nổi tiếng của miệt phía tây thành phố. Một nơi tụ hội loại lương thực dân dã của nghề nông truyền thống, nằm trên một trục đường với khu công nghệ hiện đại luôn kỳ vọng bắt kịp với sự phát triển toàn cầu!
Từ đó, tôi len lách vào những khu dân cư mới nằm bình lặng ở P.Tân Thới Hiệp rồi vòng qua P.Tân Thới Nhất, một khu vực tôi đã từng chứng kiến sự phát triển với tốc độ rất nhanh, không ngoại trừ những “chiêu trò” lách luật của các đầu nậu để xây nhà bán cho những cư dân muốn có một chốn an cư. Đó là việc xin giấy phép xây dựng cho một diện tích đất lớn, phù hợp với diện tích tách thửa theo quy định của thành phố, rồi phân ra xây những căn nhà nhỏ dưới hạn mức tách thửa, bán từ giá khoảng 800 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng/căn, vào thời điểm cách đây gần chục năm. May sao, họ dây dưa được 5 - 7 năm rồi cũng được hợp thức hóa, mà cách “phù phép” cũ rích này vẫn luôn nằm trong một định đề may - rủi. Nơi nào có người gióng tiếng lên tố cáo, thì bị thanh tra “bắt giò” đập bỏ, nơi nào yên lặng thì cứ… từ từ rồi cũng nhận được sổ hồng!
Cái sự đối lập, mâu thuẫn này giữa mong muốn phát triển, với nhu cầu định cư của làn sóng người nhập cư đến với các vùng đất Q.12 (cũng như nhiều quận huyện ven thành phố), vẫn luôn là một “cuộc chiến” dai dẳng. Để rồi từ khi tách ra 22 năm trước, Q.12 có mật độ dân cư thưa thớt, nay đã trở thành một quận có dân số đông lên đến hàng thứ 4 trong số 24 quận, huyện của TP.HCM, với 620.000 người. Nhưng cũng nhờ diện tích tự nhiên lớn nhất so với các quận (52,78 km2), nên mật độ dân số của quận này chỉ vào khoảng 11.700 người/km2, thấp hơn so với nhiều quận khác của TP.HCM!

Vĩ thanh

Nhưng viết về Q.12 mà không nhắc đến H.Hóc Môn, là “phiên bản” gốc của quận này, thì sẽ là thiếu sót. Những miền đất có những giai đoạn lịch sử bi hùng ở phía tây thành phố này đã chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện, từng được ghi vào sử sách.
Chiều hôm ấy, vì chẳng thể nào lục tìm được câu giải thích về tên cái ngã ba này, tôi đã lân la hỏi. Ở gần ngay chợ ngã ba Bầu (chỉ họp vào buổi sáng), tôi gặp một người đàn bà bán chim cút chiên bơ tên Nguyễn Thị Thu Oanh, lớn lên ở xứ này, kể: “Hồi đó tui còn nhỏ, mỗi sớm tầm 2, 3 giờ thường xách đèn cho mẹ đẩy xe đi bán bánh mì ở ngã ba này cho những người sáng sớm đến đây mưu sinh. Thuở ấy, đường đi tre trúc tối om. Xung quanh bạt ngàn những giàn bầu của bà con. Xứ này vườn ruộng trồng bầu nhiều lắm. Tự khuya, họ đã hái và kĩu kịt gánh từng gánh bầu ra đây tập trung cho hàng dãy xe lam nối nhau chở về các ngả. Vô trung tâm Sài Gòn, qua Gia Định, về Chợ Lớn… Vì vậy, dần dần “chết” tên gọi là ngã ba Bầu”.
Qua bao tao loạn, vật đổi sao dời, họ vẫn bình yên sống, và cứ thế an nhiên...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.