Cứ chủ nhật hằng tuần, người dân làng Quan m, xã Bắc Hồng, Đông Anh (Hà Nội) lại có những phút giây thư giãn tại câu lạc bộ Yêu sách Quan m được đặt ngay giữa làng.
|
Với mong muốn gìn giữ truyền thống hiếu học của quê hương, mang văn hóa đọc đến gần hơn với người dân quê mình, cựu sinh viên Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Quốc Hương đã lập câu lạc bộ (CLB) sách ngay tại làng mình.
Sau hơn 6 tháng hoạt động, đến nay CLB đã có hơn 500 đầu sách được phân loại rõ ràng, 300 đầu báo, 300 đầu truyện tranh các loại. Tất cả đều do các thành viên trong CLB, người dân và các trí thức trong làng cùng quyên góp, ủng hộ. CLB được xem như một thư viện sách thu nhỏ đầu tiên và duy nhất của xã cho tới thời điểm này.
Chủ nhật hằng tuần, các thành viên của CLB lại thay phiên nhau mở những chiếu sách phục vụ người dân và các em nhỏ trong làng đến đọc và mượn sách từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 13 giờ đến 18 giờ. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, hiện nay CLB có được địa điểm khá lý tưởng là một gian nhà rộng rãi, thoáng mát, gần với trung tâm của làng, thuận tiện đường lối đi lại.
Ông Phan Văn Long, Bí thư Đảng ủy thôn Quan m nhìn nhận: “CLB sách này là môi trường giúp cho các cháu tránh bị sa vào các tệ nạn xã hội, đồng thời cung cấp thêm kiến thức cho các cháu trong quá trình trưởng thành. Chính quyền địa phương rất hoan nghênh và tạo điều kiện tối đa để CLB hoạt động”.
Có tới 80% bạn đọc đến với CLB Yêu sách Quan m là các em nhỏ từ lớp 2 đến hết lớp 12. Mỗi bạn đọc khi đến với CLB đều được phát một thẻ thư viện để được mượn sách trong một tuần. CLB còn đón nhận rất nhiều các em nhỏ, người dân trong toàn xã đến ủng hộ, tìm đọc và mượn sách, báo. Theo chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Hương, trung bình mỗi ngày CLB đón nhận từ 80-100 lượt bạn đọc đến mượn sách.
Chị Trương Thị Thùy Dương, nhà hảo tâm đã ủng hộ cho CLB 1 tủ sách, 1 chiếc bàn cùng nhiều đầu sách về kinh tế, chia sẻ: “Mỗi ngày mình tiết kiệm từ 5.000-10.000 đồng và cứ thế làm thành một cái quỹ để có thể quyên góp nhiều hơn cho các thư viện sách ở địa phương như thế này”. Ông Nguyễn Tiến Hưng, một người kinh doanh tự do tại địa phương, gắn bó với CLB từ những ngày đầu mới thành lập, chia sẻ: “Tôi thường tìm đọc những loại sách về kinh doanh hay triết lý, vì nó rất thiết thực cho công việc hiện tại. Tôi đang đọc cuốn “Vươn tới thành công từ điểm xuất phát hiện tại” và tự tìm thấy hướng đi cho riêng mình”.
Trở ngại lớn nhất của CLB thời điểm này là việc tuyên truyền để nhiều người dân trong làng biết đến lợi ích của việc đọc sách, quan tâm, động viên con em mình tiếp cận gần hơn với loại hình giải trí này, cũng như tìm nguồn bổ sung thêm số lượng sách về kỹ thuật nông nghiệp, truyện tranh dành cho thiếu nhi để phục vụ số lượng lớn bạn đọc là các em nhỏ.
Ông Phan Văn Long cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đang kêu gọi tài trợ để bố trí một máy vi tính giúp các bạn tình nguyện viên dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và kiểm soát sách, báo”. Còn theo Nguyễn Quốc Hương, CLB đang cố gắng kêu gọi tài trợ để có kinh phí xây dựng thêm một khu vệ sinh, có thêm bàn ghế, nước uống để các em nhỏ đến đây có không gian đọc sách thoải mái hơn.
Hương Bùi
>> Dành cho người yêu sách
>> Ích lợi của việc đọc sách cùng trẻ
>> Sinh viên “quên” đọc sách
>> Khai mạc Ngày hội đọc sách
>> Nghe kể chuyện, đọc sách, trẻ có tư duy tốt hơn
Bình luận (0)