Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: 'Mẹ sẽ cố hết sức vì con'

Vất vả bao nhiêu năm, các công nhân ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chỉ mong tích góp nuôi con trưởng thành và có cuộc sống sáng sủa, khấm khá hơn.

Quanh khu trọ gần Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (gọi tắt là Công ty PouYuen, đóng ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) phần lớn là công nhân thuê ở theo hộ gia đình. Nhiều người ở đây rời quê, đến TP.HCM làm công nhân từ thời còn trẻ, rồi lập gia đình, sinh con ở chính tổ ấm đó. Họ cố gắng để lo cho các con, kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Chúng tôi ghé đến căn phòng trọ của chị Trần Thị Hương (40 tuổi, quê Quảng Trị) nằm cuối dãy trọ trong một con hẻm ở đường Lộ Tẻ, cách Công ty PouYuen khoảng 1,2 km, vào chiều muộn hôm qua 22.1. Căn phòng chừng 10 m2, chị Hương đang lụi cụi nấu cơm cho gia đình sau buổi tan ca chiều. Chồng chị Hương đang ngủ, do đêm qua làm ca tối. Chị có 2 đứa con, đứa lớn học lớp 11, đang đi học thêm, còn đứa nhỏ học lớp 3, đang tụ tập cùng tụi bạn trong xóm.

Tính đến nay đã 20 năm kể từ ngày vợ chồng chị Hương đến TP.HCM để vào Công ty PouYuen làm công nhân. Giờ thì chỉ còn mỗi chồng chị là trụ cột gia đình bởi chị Hương nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của Công ty PouYuen hồi giữa năm 2023.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Hương chạy hỏi khắp nơi, tìm mãi mà không ai nhận, may sao cuối tháng vừa rồi tìm được một công việc thời vụ là đóng tập học sinh ở một cơ sở gần nhà trọ. "Đóng tập thì bữa có bữa không, nhưng có công việc để cùng chồng nuôi hai đứa con là may lắm rồi", chị Hương kể.

Chồng chị Hương chọn làm ca tối là vì lương buổi tối nhiều hơn ban ngày, cụ thể là chênh nhau tới 2 triệu đồng/tháng. Chị Hương tính tổng thu nhập của hai vợ chồng trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng. Số tiền này mỗi tháng hầu như không còn dư sau khi chi tiêu cho các khoản như tiền nhà trọ, tiền học của hai con và sinh hoạt phí. Nhiều khi bị bệnh, chị Hương cũng đắn đo chuyện có nên mua thuốc chữa trị không...

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: 'Mẹ sẽ cố hết sức vì con'- Ảnh 1.

Chị Trần Thị Hương xúc động khi nhắc đến tương lai của hai đứa con

TRỌNG NGHĨA

"Mỗi tháng không cần biết mình có lương hay không, nhưng tiền học, tiền ăn là phải có, phải lo trước mắt. Nếu không có thì phải chạy vạy để đắp vô, nhưng tôi sợ vay nợ lắm, vì không biết khi nào mới trả được", chị Hương chia sẻ.

Mồ côi từ lúc 3 tuổi, nên chị Hương không có điều kiện để đi học tới nơi tới chốn, vì vậy, chị cùng chồng cố gắng lam lũ để con không thiệt thòi, như lời chị nói: "Cực khổ chi cũng đeo. Đời công nhân mình đã khổ rồi, ưng thì họ cho làm, không ưng cho nghỉ, nên giờ con muốn học gì mình cũng lo hết, mẹ sẽ cố gắng hết sức vì con".

Sắp tới đây, đứa con trai lớn sắp vào đại học, chị Hương nghe con nói thích học công nghệ thông tin, chị ủng hộ tới cùng, dù nghe ngành này, chị cũng không rõ nó là loại công việc gì và sau khi ra trường có thể phát triển nghề nghiệp đến đâu. Nhưng chị cũng không khỏi âu lo: "Lương làm tháng nào hết tháng đó, về quê lại không biết làm gì, không biết lấy đâu ra khoản tiền cho con vào đại học...".

Tuy vậy, chị Hương vẫn quả quyết: "Nhắc đến con là tôi chỉ biết hai từ cố gắng. Giờ đời mình đã khổ rồi, khổ tiếp không sao nhưng nhất định hai đứa con phải có tương lai tươi sáng hơn".

Hơn 1,1 triệu lượt người sẽ rời TP.HCM về quê ăn tết qua các bến xe

Cách chỗ của chị Hương khoảng 3 dãy trọ, chị Nguyễn Ngọc Diễm (42 tuổi, quê Bạc Liêu) đang quày quả dọn cơm sau khi đi làm về lúc 7 tối hôm qua 22.1. Hai đứa con trai chị đứa soạn bài, đứa xem điện thoại. Chị Diễm kể mình đã làm công nhân Công ty PouYuen được 18 năm, lấy chồng, sinh con đều ở TP.HCM.

Chồng chị Diễm chạy xe ôm công nghệ vẫn chưa về. "Trước đây, chồng tôi cũng đi làm công ăn lương, nhưng mất việc, giờ chạy xe ôm công nghệ, chạy giấc khuya. Lương cũng ba cọc ba đồng lắm, có ngày được 500.000 - 700.000 đồng, chưa trừ xăng xe, ăn uống, nhưng có bữa chạy từ sáng tới chiều chưa được 100.000 đồng", chị Diễm nói.

Vợ chồng chị Diễm có 2 con trai, đứa học lớp 2, đứa học lớp 5. Hai đứa còn tuổi ăn tuổi lớn, ham chơi. Mới đây trường gửi giấy xin tổ chức ngoại khóa cho đứa con trai út, chị Diễm cứ suy nghĩ hoài, nghĩ khoản chi gần 350.000 đồng cho chuyến ngoại khóa, chị chần chừ rồi bảo con ráng đợi đợt sau.

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: 'Mẹ sẽ cố hết sức vì con'- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Ngọc Diễm đang quây quần với các con sau giờ tan ca

TRỌNG NGHĨA

"Đứa con trai lớn lớp 5 mới đi vì nó mê quá, năn nỉ hoài. Nhưng đi về lại say xe, tốn thêm khoản thuốc men, chớ cũng muốn cho con đi chơi vui vẻ với bạn bè. Tôi định để tiền cuối tháng này cắt kính cho thằng lớn, kính nó mới bị gãy, chưa lãnh lương nên tôi phải mua keo dán sắt dán để nó dùng đỡ", chị Diễm nói.

Lương công nhân của chị Diễm hiện được hơn 10 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca sẽ có thêm thu nhập. Sau khi trừ ra khoản chi tiêu cứng như tiền nhà 2 triệu đồng, tiền gửi bán trú cho các con đi học 3 triệu đồng/tháng thì còn lại để chi tiêu nuôi cả nhà và tiết kiệm lúc ốm đau.

Chị Diễm cũng kể tết này cả nhà không về quê mà sẽ đón tết ở thành phố. Hỏi chị có hy vọng gì cho tương lai, năm mới không thì chị Diễm trả lời: "Mình làm công nhân quen rồi, giờ về quê cũng không biết làm công việc gì. Tết về thì cũng tốn tiền. Dành dụm tiền cho con ăn học. Tôi chỉ mong con học hành giỏi giang; khuyên con cố gắng học tập...".

Ước mơ đoàn tụ ngày Tết của công nhân nghèo: Những tấm vé về quê miễn phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.