Theo trang Space.com, trăng lưỡi liềm đang lớn sẽ chiếu sáng về phía tây sau khi mặt trời lặn. Nó sẽ không còn quá gần sao Kim nữa, nhưng hãy nhìn về phía dưới bên phải của mặt trăng, bạn sẽ thấy hành tinh lớn thứ 6 trong hệ mặt trời tỏa sáng rực rỡ trong lần xuất hiện mới của nó với tên gọi "sao Hôm".
Trong vài đêm tiếp theo, mặt trăng sẽ sáng hơn khi nó đi xa hơn khỏi sao Kim. Sao này sẽ lên cao hơn trên bầu trời sau khi mặt trời lặn cho đến tháng 1.2025, sáng hơn khi nó chìm vào hoàng hôn muộn hơn, tối hơn.
EarthSky thông tin trước đó ngày 5.8, khoảng 30 phút sau khi mặt trời lặn trăng lưỡi liềm mỏng đã treo gần sao Kim. Tối nay 6.8, phần sáng của lưỡi liềm sẽ hướng về sao Kim rực rỡ.
Sau đó, vào ngày 7.8, trăng lưỡi liềm sáng hơn, rõ hơn sẽ xuất hiện ở khoảng giữa sao Kim, ở phía dưới bên phải, và ngôi sao sáng Spica, ở phía trên bên trái. Một trong 20 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, Spica là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Xử Nữ.
"Săn" ngắm trăng lưỡi liềm ở gần sao Kim lúc chạng vạng ở vùng quê Đắk Lắk, anh Triệu Văn Thiện (26 tuổi) cho biết vì thời tiết không thuận lợi nên anh đã bỏ lỡ. Đó là lý do mà chiều tối nay, anh quyết định "thử vận may" một lần nữa.
"Thả mình vào hoàng hôn, sau đó chiêm ngưỡng các vì sao sáng trên bầu trời là điều khá thú vị với mình. Đây cũng là khởi động, để mình chuẩn bị ngắm mưa sao băng đẹp nhất năm vào nửa đầu tháng 8 tới đây. Hy vọng thời tiết tốt vì nơi mình ở không bị ô nhiễm ánh sáng, chỉ cần thời tiết tốt sẽ dễ quan sát", anh nói thêm.
Ngày 11 - 12.8 tới đây, người yêu thiên văn Việt Nam có cơ hội ngắm Perseids đạt đỉnh. Theo NASA, trong điều kiện thuận lợi có khả năng nhìn thấy tới 100 sao băng mỗi giờ.
Bình luận (0)