Chiêu trò lừa đảo khi mua hàng thanh lý online

16/10/2024 14:57 GMT+7

Để tiết kiệm chi phí, thay vì mua hàng mới, nhiều người trẻ lựa chọn sắm những món đồ cũ, hàng thanh lý ở các hội nhóm trên mạng xã hội.

Mua hàng thanh lý để tiết kiệm chi phí

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm thanh lý, mua bán đồ cũ. Từ đồ gia dụng, thiết bị điện tử cho đến nội thất... Những mặt hàng thanh lý được rao bán trên mạng đa số chỉ có giá bằng khoảng một nửa so với mua mới. Vì vậy, mua hàng thanh lý là sự lựa chọn của nhiều người vì muốn tiết kiệm chi phí.

Chiêu trò lừa đảo khi mua hàng thanh lý online- Ảnh 1.

Những hội nhóm thanh lý đồ cũ trên mạng xã hội thu hút hàng trăm ngàn người tham gia

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Hiện tại, những món đồ nội thất của Võ Phan Nhật Hoàng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đang dùng hầu hết đều được mua từ các hội nhóm thanh lý. Hoàng chia sẻ: “Những món đồ mà mình đang dùng như bàn, ghế, máy quạt, bể cá đều được mua trên các hội nhóm thanh lý. Sau nhiều năm sử dụng, những món đồ này vẫn còn xài tốt, chưa có vấn đề gì”.

Hoàng cho biết lý do mua hàng thanh lý vì giá rẻ hơn khoảng 50% so với đồ mới. “Mua đồ thanh lý để tiết kiệm tiền vì mua mới thì mắc mà đến lúc ra trường cũng bán lại với giá rẻ. Những món đồ mình mua đa số đều còn mới khoảng 60 - 70% nên xài khá tốt”, Hoàng cho hay.

Chiêu trò lừa đảo khi mua hàng thanh lý online- Ảnh 2.

Nhiều người trẻ có xu hướng mua hàng thanh lý qua mạng

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Kinh nghiệm mua đồ thanh lý của anh chàng này là nói không với cọc tiền trước và sau khi đến xem trực tiếp, thấy ưng ý mới chốt mua. “Mặc dù mua hàng qua mạng nhưng mình phải đến xem và kiểm tra trực tiếp. Mình hay mua hàng thanh lý từ những sinh viên vừa ra trường, chuyển trọ nên bán lại”, Hoàng chia sẻ.

Trước đó, vì có nhu cầu mua tủ lạnh, Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào các hội nhóm thanh lý trên Facebook để tìm mua. “Hiện tại, chiếc tủ lạnh mình đang sử dụng là mua hàng thanh lý có giá 800.000 đồng”, Cúc nói.

Chia sẻ lại câu chuyện mua hàng thanh lý của mình, Cúc kể: “Sau khi nhắn hỏi thông tin xong mình chốt mua luôn mà không đến xem trực tiếp. Vì vậy, khi người ta giao đến mình và 2 người bạn nữa xuống nhận hàng vì nghĩ tủ lạnh lớn phải 3 người bê mới nổi. Thế nhưng, ai ngờ tủ nhỏ đến mức chỉ cần 1 người bê. Dây cắm điện cũng ngắn, không đến được ổ điện nên phải chi thêm 90.000 đồng để mua 1 ổ cắm mữa. Lúc đó, mình cũng hoang mang lắm”.

Chiêu trò lừa đảo khi mua hàng thanh lý online- Ảnh 3.

Chiếc tủ lạnh thanh lý mà Cúc mua qua mạng có kích thước thực tế nhỏ hơn cô nghĩ

ẢNH: NVCC

Mua tủ lạnh với mục đích để đồ ăn, nhưng tủ thực tế mà Cúc nhận về còn không đựng vừa bình nước 500 ml. “Sau đó, mình nhắn tin thỏa thuận với người bán và được giảm thêm 50.000 đồng. Mặc dù, hiện tại tủ lạnh vẫn hoạt động khá ổn, nhưng vì dung tích quá nhỏ không chứa được nhiều đồ nên mình vẫn phải đi chợ thường xuyên”, Cúc cho biết.

Lúc chuyển sang phòng trọ mới, vì túi tiền có hạn nên Võ Thị Tố Trinh (20 tuổi), làm việc tại đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6 (TP.HCM) chọn mua hàng thanh lý. “Ngoài những món đồ không thể dùng lại hàng thanh lý như: bát, đũa, nồi, thì tủ lạnh và bếp mình đều mua lại đồ cũ. Dù biết mua hàng thanh lý khá may rủi, không biết chất lượng như thế nào nhưng vì nó rẻ”, Trinh cho hay.

Trước đó cũng vì e ngại chất lượng của các mặt hàng thanh lý nên Trinh trực tiếp ra cửa hàng để xem tủ lạnh và bếp gas. Thế nhưng, vì giá của những món đồ mới này khá cao nên cô nàng quyết định mua lại đồ cũ. Trinh chia sẻ: “Sau khi tìm được sản phẩm ưng ý, hợp với túi tiền mình sẽ liên hệ trao đổi với người bán và hẹn đến xem sản phẩm trực tiếp. Đợt đó, mình chốt mua 1 tủ lạnh và bếp gas”.

Đồ thanh lý và những rủi ro về chất lượng

Tuy nhiên, việc mua hàng thanh lý, đồ đã qua sử dụng trên mạng xã hội tiềm ẩn không ít rủi ro về chất lượng. Mặc dù đã cẩn thận đến xem tủ lạnh trực tiếp trước khi chốt mua, thế nhưng chỉ sau 4 tháng sử dụng, Trinh đã phải ngậm ngùi chi thêm 2 triệu đồng nữa để mua chiếc tủ lạnh khác.

Trinh cho biết: “Sử dụng được đúng 4 tháng thì tủ lạnh hư. Ngăn mát không lạnh còn hộc đá thì nhiệt độ như ngăn mát, đồ ăn không đủ lạnh nên hư hết. Sau đó, mình có nhắn tin lại cho người bán nhưng họ không phản hồi”.

Trinh chia sẻ chiếc tủ lạnh thanh lý đầu tiên mua với giá 1 triệu đồng. “Vì lúc đến xem thấy bên ngoài tủ còn khá mới và người bán nói chuyện cũng rất chân thật nên mình tin tưởng. Về sử dụng rồi mới biết tủ rất hao điện và vài tháng thì hỏng luôn”, Trinh cho hay.

Chiêu trò lừa đảo khi mua hàng thanh lý online- Ảnh 4.

Nên thận trọng khi mua hàng thanh lý qua mạng để tránh bị lừa đảo

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Rút kinh nghiệm từ lần đó, tủ lạnh sau Trinh cũng mua lại hàng thanh lý nhưng từ một người quen được bạn giới thiệu. Trinh cho biết mua hàng thanh lý cũng hên xui, may rủi vì có những sản phẩm sử dụng rất tốt nhưng cũng có món đồ vài tháng đã hư. “Mình mua tủ lạnh và bếp gas cùng lúc nhưng tủ lạnh đã hỏng còn bếp vẫn xài rất tốt. Mua đồ thanh lý thì tiết kiệm thật nhưng cũng rủi ro, nếu hư một cái là tốn tiền sửa cũng bằng với tiền mua đồ mới”, Trinh chia sẻ.

Bên cạnh những rủi ro về chất lượng, thì không ít trường hợp bị lừa mất tiền cọc khi mua hàng thanh lý qua các hội nhóm trên mạng.

“Mình đã bị lừa mất số tiền 200.000 đồng cách đây 4 tháng khi mua bếp điện thanh lý qua mạng. Sau khi nhắn tin hỏi về tình trạng sản phẩm, bên kia còn quay clip kiểm tra các chức năng của bếp và gửi cho mình. Đồng thời, yêu cầu mình cọc trước 50%. Vì cần bếp gấp để nấu ăn nên mình không suy nghĩ nhiều mà chuyển khoản luôn. Thế nhưng, sau khi nhận được tiền, họ chặn luôn tài khoản của mình”, Nguyễn Thị Thanh Hằng (23 tuổi), ngụ tại đường Hiệp Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ.

Nói về vấn đề bị lừa đảo khi mua hàng thanh lý qua mạng, tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng khoa phụ trách, Khoa Khoa học xã hội - Luật, Giám đốc chương trình Luật kinh tế, Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Thực tế vấn đề này đã xảy ra khá nhiều, thậm chí người nhà tôi cũng từng là nạn nhân. Vì vậy, khi mua hàng thanh lý nên chọn nơi uy tín hoặc được người quen giới thiệu. Người mua cần tỉnh táo, sáng suốt, không vì ham rẻ mà vội chuyển tiền. Dù mua hàng qua mạng, nhưng nên đến trực tiếp để kiểm tra sản phẩm trước, nếu ưng ý thì mua. Trong trường hợp bị lừa đảo nên lưu lại những thông tin, thu nhập bằng chứng từ các tin nhắn và nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.