Chim lạc trên trống đồng có phải là... chim nước?

05/06/2021 12:50 GMT+7

Trong bài Một ý kiến về câu hỏi” Chim Lạc là chim gì? của PGS.TS Lê Anh Tuấn ( Thanh Niên ngày 4.6), cho rằng trống đồng Ngọc Lũ ‘có tuổi khoảng 2.500 năm trước đây, nghĩa là thời gian đó chữ Hán chưa hiện diện ở nước ta’.

Tác giả cho rằng, trống đồng Ngọc Lũ ‘có tuổi khoảng 2.500 năm trước đây, nghĩa là với mốc thời gian đó thì chữ Hán chưa có hiện diện ở nước ta, không thể dùng chữ nghĩa xưa để giải thích một truyền thuyết trên 2.500 năm'. Như vậy, ông đã bác quan điểm chim lạc (雒) và hậu điểu (候鳥) của GS Đào Duy Anh, không đồng thuận cách hiểu chim lạc là từ chỉ các loài chim nói chung của tôi trong bài Lắt léo chữ nghĩa: 'Chim lạc' là chim gì?(Báo Thanh Niên, 30.5.2021) vì cả GS Đào Duy Anh và tôi đều giải thích chim lạc qua chữ Hán và chữ Nôm.
Theo ông Tuấn, cần ‘dựa vào ngôn ngữ nói cổ xưa và một số từ xưa còn sót lại’ để lý giải từ chim lạc. Thế nhưng ông không cho biết ngôn ngữ cổ xưa đó và những từ còn sót lại là gì, thay vào đó, ông dẫn chứng cách nói lẫn lộn chữ L và N của người phía Bắc, cách phát âm tương tự giữa A và ƯƠ, C và K, ‘dấu sắc (‘) và dấu nặng (.) trong phát âm vùng miền Bắc, miền Trung hay pha trộn nhau’ để đi đến kết luận ‘phát âm chữ LẠC tương đồng chữ NƯỚC’, chim lạc là chim nước.

Hình ảnh chim lạc

Ảnh: T.L

Như vậy, ông Tuấn đã nghĩ rằng cách phát âm của người Bắc ngày nay giống như ‘ngôn ngữ nói cổ xưa’ của người Việt? Xin thưa, điều này chỉ tương đối mà thôi, bởi vì, theo giới ngôn ngữ học, khoảng từ 2.000 năm trở về trước thì tiếng Việt thuộc giai đoạn tiền Việt Mường, lúc đó tiếng Việt chưa có thanh điệu, phần lớn là từ phát âm song tiết (thí dụ: kuh = củi; pichim = chim; kơchơng = giường, chõng). Thế thì làm sao có thể liên hệ dấu sắc và dấu nặng, những từ đơn tiết như lạc và nước để kết luận LẠC tương đồng với NƯỚC. Ngay trong Từ điển Việt – Bồ - La (1651) ghi nhận tiếng Việt thời Trung cổ vẫn không cho thấy từ lạc nào tương ứng với nước, nhưng đã có từ chim lạc, còn nước được ghi rõ bằng từ nác và nước (trong nấu nước).
Ông Tuấn cho rằng chim lạc là chim nước rồi giải thích chim nước là “tập hợp các loại chim sống ở vùng nước”. Thế nhưng, ngay sau đó ông lại mâu thuẫn qua nhận định: từ khi có chữ viết “Lạc Việt sẽ hiểu như là nước Việt, Lạc Vương là vua của nước, Lạc hầu là quan của nước, Lạc tướng và tướng của nước, các từ cổ xưa như Lạc điền là Ruộng nước, Lạc thôn là Làng nước”. Điều này cho thấy ông Tuấn đã đánh đồng từ nước với từ quốc gia, tổ quốc, ngoại trừ “Lạc điền là Ruộng nước”, còn những từ khác đều chứng minh chim nước là… chim quốc gia hay chim tổ quốc chăng? Xin thưa rằng, quan điểm này không phải là mới. Trước đây, trong bài Ý nghĩa quốc hiệu Lạc Việt (1989), GS Vũ Thế Ngọc đã có nhận định giống như ông Tuấn vậy. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên về điều này, bởi vì trong hệ thống chữ Nôm, chữ nước (渃) có 2 nghĩa: chất lỏng tự nhiên và tổ quốc hay xứ sở… Do đó không thể đánh đồng 2 khái niệm này với nhau. Còn trong Hán ngữ, không có từ Hán Việt nước, chỉ có từ quốc gia (国家/國家) và xứ sở (處所), vậy làm sao có thể liên tưởng từ lạc (Hán Việt) với từ nước (Việt)? Sau khi tra cứu những từ điển Hán Việt và chữ Nôm hiện có, chúng tôi vẫn không tìm thấy chữ lạc nào có nghĩa là nước hoặc liên quan với nước, ngoại trừ chữ nói về sông Lạc ở Trung Quốc

"Theo tôi, những con chim đang bay trên trống đồng Đông Sơn và Ngọc Lũ có khả năng là chim Hồng hoàng", Vương Trung Hiếu nêu giả thuyết

Ảnh: T.L

Xin lưu ý, cách phát âm lẫn lộn giữa L và N của người phía Bắc chỉ là hiện tượng cá biệt, không phải là tất cả; không thể ‘xem việc nói chữ A và ƯƠ tương tự’ (lạng vàng – lượng vàng; lên đàng - lên đường, tràng - trường) để kết luận lạc là nước, bởi vì những từ như “lạng vàng, lên đàng, tràng” là cách nói của người miền Nam chứ không phải phía Bắc.
Tóm lại, hiện nay có nhiều loại trống đồng trên thế giới, được tìm thấy ở Đông Nam Á, song tập trung chủ yếu ở Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Các học giả đều tin rằng cách trang trí trên trống đồng phản ánh cuộc sống tinh thần và xã hội của những người đã phát minh và sử dụng trống, do đó có thể giúp xác định mối quan hệ hình thành địa lý và cộng đồng sắc tộc của những người này. Hình chim bay trên trống đồng Ngọc Lũ được gọi là chim lạc, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc đều cho rằng chim lạc là chim diệc ((heron). Điều này đã được chú thích trên trang mạng của Hội Di sản chữ Nôm bằng chữ lạc (鴼) với từ tiếng Anh tương ứng là heron (chim diệc).
Cách giải thích chim lạc là chim nước của ông Lê Anh Tuấn khá giống với quan điểm của GS Vũ Thế Ngọc kể trên và cả quan điểm của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc qua bài Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố" Lạc" trước đây. Dĩ nhiên, còn không ít cách giải thích ý nghĩa chim lạc khác nữa mà chúng ta có thể tìm thấy trên mạng. Điều này thật sự hữu ích trên con đường đi tìm sự chính xác nhất về nguồn gốc và ý nghĩa của những con chim đang bay trên trống đồng. Dù sao, cuối tuần "đàm đạo" chữ nghĩa với ông Tuấn càng vui.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.