Chim trời phiêu du ký: Kỳ thú săn ảnh chim quý

27/05/2022 06:00 GMT+7

Chim quý hiếm, chim đặc hữu luôn là thứ 'gây nghiện' đối với những người chụp ảnh chim hoang dã. Lắm chuyện ly kỳ xung quanh chuyện chụp được các loài chim này.

Dù có thể trong bộ sưu tập có hàng trăm loài chim, nhưng thiếu chim quý hiếm, chim đặc hữu, giới chụp chim hoang dã coi như chưa thành “hảo hán”. Chim quý hiếm, đặc hữu thường ở rừng sâu núi thẳm và hầu như rất “chảnh”, nên chụp được nó đôi khi như là kỳ tích.

Trường kỳ mai phục khướu

Đó là câu chuyện của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, người đàn ông đến nay gần 65 tuổi mà vẫn “cô đơn” vì mãi theo cánh chim trời. Chỉ vì 2 con khướu Ngọc Linh đặc hữu Việt Nam mà ông Pẩu phải tốn 6 năm mới chụp được. Khướu Ngọc Linh chỉ ở trên vùng rừng núi có độ cao từ 2.800 m. Vì thế, muốn tiếp cận được nó trước hết phải toát mồ hôi cuốc bộ đường rừng. Lên được tới nơi thì phải trường kỳ mai phục ngày này qua ngày nọ.

“Nhiều lần đi, mang mồi ngon, dùng máy phát đúng tiếng hót gọi tình quyến rũ của đồng loại, nhưng khướu Ngọc Linh trốn biệt. Cũng có khi nhìn thấy chúng thoắt ẩn thoắt hiện trở tay không kịp”, ông Pẩu thổ lộ. Loài khướu Kon Ka Kinh cũng khiến nhiếp ảnh gia này khốn khổ. Bốn lần từ TP.HCM lên tận Kon Tum, dựng lều giữa rừng chờ khướu đặc hữu này mỗi lần mấy ngày, nhưng chúng cũng không “ra chào”.

Hạc cổ trắng quý hiếm được “Ma rừng” chụp

NVCC

“Hành” nhiếp ảnh gia được mệnh danh là “vua chim” này còn có hai loài khướu khác. Đó là khướu đá vôi ở Ninh Bình và khướu đầu đen má xám ở Lâm Đồng. “Khướu đá vôi kích thước rất bé, thân chỉ dài khoảng 5 - 6 cm, nhảy lóc chóc trên các mỏm đá chênh vênh. Muốn chụp được nó, mình cũng liều mình leo lên những dốc núi đá chênh vênh. Còn khướu đầu đen má xám thì chỉ bay lượn trên một đỉnh núi ở Lâm Đồng, vô cùng khó chụp”, ông Pẩu cho biết. Nhờ sự kiên nhẫn thượng thừa và lòng say mê chim quý hiếm vô bờ bến, cuối cùng trong bộ sưu tập chim hoang dã của ông Tăng A Pẩu cũng có các loài khướu này. “Khi ngắm lại mỗi bức ảnh chụp những loài chim quý, tôi đều rưng rưng xúc động”, ông Pẩu tâm tình.

Với khướu đầu đen má xám, anh Sâm Thương cũng góp câu chuyện ly kỳ. Nhà nhiếp ảnh chim hoang dã có bộ sưu tập chim thuộc hàng “hoành tráng” nhất nước cho biết anh đi tìm kiếm chú chim này rất nhiều chuyến. Mỗi chuyến đi như thế mất 2 - 3 ngày, nhưng kết quả chỉ thu được là... tiếng hót, hoặc chỉ thấy hình ảnh loáng thoáng của chúng trong bụi rậm mà không ghi được hình ảnh nào. May mắn trong một lần đi lang bạt trong rừng, anh nghe vọng từ xa tiếng hót của bầy khướu đầu đen má xám ở dưới một thung lũng. Thế là anh quyết định cắt rừng xuống thung lũng đó dựng lều ngồi chờ.

“Bằng một số thao tác dẫn dụ các loài chim mà chúng tôi đã học được từ các chuyên gia điểu học, một bầy khướu 3 con đã xuất hiện trước mặt chiêu đãi chúng tôi một bữa no nê về hình ảnh. Tôi vui sướng đến tột độ và gần như không ngủ được khi về đến chỗ nghỉ dù cả ngày đi chụp rất mệt”, anh Sâm Thương chia sẻ.

Khướu vằn, một loài chim quý

Còn anh Thuần Võ có một kỷ niệm khó quên về khướu đá sống ở độ cao 2.400 - 2.800 m ở một vùng núi phía bắc. “Tôi phải 3 lần lên đỉnh núi, thuê người dẫn đường và vác đồ rất tốn kém, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, vậy mà vẫn không chụp được vì không thấy tăm hơi nó đâu. Đến khi tiu nghỉu thu dọn đồ đạc, xuống núi đi về thì bất ngờ thấy con khướu đá từ đâu lại bay ra “chào mình”. Thế là tôi cầm máy ảnh “bắn” say mê. Cảm giác vui và hân hoan nhờ may mắn mà chụp được chim quý ấy đọng lại mãi trong tôi”, nhiếp ảnh gia được giới chụp chim phong là người chụp chim “tốc độ” nhất thổ lộ.

Một lần khác chụp loài khướu hông trắng cực quý hiếm ở một huyện vùng cao tỉnh Yên Bái, anh Thuần tưởng như mình sắp chết. “Đường đi rất khó, vừa đi vừa leo, trời lại mưa nặng hạt trắng xóa, khiến tôi bị ngã té nhiều lần vì trơn trượt. Nặng nhất là cú trượt chân ngã lộn mấy vòng liền xuống vực sâu, tôi như cận kề sinh tử”, anh kể.

Khướu đá cánh vằn

Thuần Võ

“Nghẹt thở, vỡ tim” chụp chim quý

Anh Thuần Võ cũng có chuyện thú vị khi chụp loài chim di cư rẽ mỏ thìa, loài bị đe dọa ở cấp sẽ nguy cấp (VU) trên thế giới. Loài chim này ăn ở bãi nghêu dài dọc bờ biển, tiếp cận gần để chụp nó không dễ. Trang phục, ống kính máy ảnh to đùng đều phải ngụy trang cho lẫn vào màu thiên nhiên xung quanh.

“Chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ tập tính của rẽ mỏ thìa để có phương pháp tiếp cận. Khi nó rúc mỏ vào đất kiếm ăn, tôi nhích dần tiến tới. Khi nó đột ngột ngẩng đầu lên quan sát thì mình phải ngừng lại bất động như hình nộm và hầm hơi tưởng chừng nghẹt thở giữa bãi bồi. Sau khi tiếp cận rẽ mỏ thìa ở cự ly phù hợp thì mình bấm máy liên tù tì”, anh Thuần tâm sự.

“Ma rừng” là biệt danh của nhà nhiếp ảnh chim hoang dã Nguyễn Thanh Liêm. “Ma rừng” cũng bị chim quý “ám ảnh”. Trong hành trình tìm chụp một loài chim quý hiếm, anh Thanh Liêm không thể nào quên cái ngày “bỏ của chạy lấy người” khi bị đàn ong vò vẽ tấn công. “Tôi vén bụi cây để chui vào mai phục con chim.

“Ma rừng” Nguyễn Thanh Liêm leo cây chụp chim quý

NVCC

Ai ngờ trong bụi cây là một tổ ong vò vẽ to như cái thùng. Lúc đó phải vất máy chạy như bay. Thế là va vào cây té nghẹt thở luôn. Khi bầy ong rượt đuổi ngày càng đông thì tự nhiên thở lại được và chạy kịp ùm xuống suối thoát thân, nhưng đã lãnh nhiều vết chích, người ê ẩm, phát sốt luôn”, “ma rừng” nhớ lại.

Anh Sâm Thương thì cảm xúc dâng trào diễn tả là “tim vỡ vụn” khi nhìn thấy một loài chim quý xuất hiện trước ống kính sau mấy ngày rình nó: “Tôi kịp bấm ngay được đúng 2 tấm thì chú chim này đã luồn trong lớp bụi cây và đá núi dày đặc. Chú chim đi xa, nhưng tôi vẫn ngồi lại điểm chụp với niềm vui vỡ òa khó tả. Một kết thúc đẹp cho sự nỗ lực của chúng tôi”.

Theo nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, chụp chim hoang dã đã khó, nhưng chụp chim quý hiếm còn khó hơn nhiều lần. Chim quý không những hiếm mà hầu hết chúng rất “chảnh”. “Khi chim quý hiện ngay ra trước mắt, người chụp phải bấm máy lia lịa. Nhưng cũng có con trốn biệt, hoặc thoắt ẩn thoắt hiện, trở tay không kịp. Hơn nữa, nhiều giống chim đặc hữu chỉ sống ở một khu vực núi non hiểm trở, đòi hỏi người chụp được phải kiên trì lặn lội vào rừng sâu...”, “vua chim” cho biết.

(còn tiếp)

Những kỷ niệm sẽ không bao giờ quên là những chuyến đi để tìm kiếm những loài chim mới và hiếm mà mình chưa nhìn thấy hoặc chưa có hình. Như lần đi tìm loài bồng chanh rừng, anh em theo con chim này khá là nhiều năm vì số lượng của chúng còn quá ít. Vì thế, khi chụp được những bức hình đầu tiên về nó, cảm giác rất khó tả.

Nguyễn Văn Thắng,hướng dẫn viên Công ty du lịch hoang dã - Wildtour

Chim trời phiêu du ký

'Choáng' chuyện chụp chim

Sứ giả' chim hoang dã

Khướu quý Việt Nam kêu cứu

Sếu ơi !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.