Chính điện Thành nhà Hồ và khả năng dựng lại kinh đô cổ

16/12/2021 06:30 GMT+7

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết việc tìm thấy Chính điện Thành nhà Hồ là một thành công lớn. Bản thân ông cũng quá ngạc nhiên trước sự vĩ đại của công trình.

Chính điện cổ nhất trong lịch sử kinh đô Việt Nam được phát hiện

Cuộc khai quật ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) từ năm 2020 đến nay được đánh giá là cuộc khai quật có quy mô lớn nhất trong lịch sử khảo cổ Việt Nam với diện tích 25.000 m2. Cuộc khai quật đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần - Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê Sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung hưng với trên 20 đơn nguyên kiến trúc. Những đơn nguyên này có giá trị to lớn khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh năm 2011.

Mặt bằng kiến trúc đã rõ nét hơn sau cuộc khai quật

Th.S Nguyễn Thắng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần - Hồ tại các hố khai quật ở khu vực Trung tâm (Nền Vua), khu vực Đông Nam và Tây Nam. “Nhận định bước đầu về cụm kiến trúc Trung tâm: Với dấu tích nhiều cổng, hành lang bao quanh, nhiều kiến trúc lớn ở phía bắc kết nối với nhau cho thấy đây có thể là không gian trung tâm, không gian Chính điện của Thành nhà Hồ”, ông Thắng nói.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: “Tổ hợp kiến trúc ở đây đã phát hiện khá đầy đủ các kiến trúc tạm xác định gồm có 6 đơn nguyên: Kiến trúc Chính điện, Tiền điện, Hậu điện, Tả vu, Hữu vu, Hành lang Đông Tây, có thể còn có kiến trúc cổng ở phía trước được bố trí khá cân xứng, hài hòa”.

Với dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung hưng, các nhà khảo cổ cho biết đã phát hiện 4 dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột nhỏ, được xây dựng bằng gạch ngói vụn. Họ cũng phát hiện 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột trung bình được xây dựng bằng gạch ngói vụn.

Các hiện vật tìm thấy cho thấy dấu tích vương triều ở Thành nhà Hồ

Viện Khảo cổ học cung cấp

Theo PGS-TS Tín, đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô nằm trong số lớn nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành nhà Hồ (hay còn gọi là Nền Vua). “Theo tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy, đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay”, ông Tín nói.

PGS-TS Tín cho biết, qua khai quật lần này đã xác định tổ hợp kiến trúc phía đông nam khá hoàn chỉnh được tương truyền đó là Đông Thái Miếu thờ tổ tiên của nhà Hồ. Nếu xác định điều này là chính xác thì đây cũng là một dấu tích Tổ miếu thuộc loại cổ nhất trong lịch sử kinh đô Việt Nam.

Bài học từ Nara để phục dựng chính điện

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, có thể học bài học từ cố đô Nara của Nhật Bản để khôi phục lại Chính điện. Các nhà khảo cổ người Nhật đã bảo tồn Nara trong nhiều năm. Sau đó, khi phục dựng họ dựng lại một Chính điện và cửa Chu Tước. “Hai cái nền của họ rất quan trọng khi phục dựng. Cái giếng Vua của Nara, bên cạnh còn thấy cả bếp, lò nấu sake, họ phục dựng rất giống. Bên trái là vườn thượng uyển”, ông Tín nói.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết lần khai quật này đã cho thấy điều quý giá là mặt bằng kiến trúc rõ ràng hơn trước đây. Ông Quân cho rằng có thể đẩy mạnh nghiên cứu cũng như đẩy mạnh bảo vệ, tôn tạo. “Làm kiểu Nhật thôi nghĩa là từng phần một. Từ mặt bằng nghiên cứu so sánh để tái phục hồi điện, cổng. Cũng cần có bảo vệ để giữ di tích, tránh bị hủy hoại bởi mưa gió, nước ngập ảnh hưởng”, ông Quân nói.

Chân tảng bằng đá

Cũng theo ông Quân, từ tư liệu hóa, các nhà khảo cổ cần tập trung vào xác định những gì tái hiện trước. “Đó là việc có định hướng để tập trung, để nó ra được một cái gì phục dựng. Làm để phục hưng văn hóa, biến văn hóa thành công nghiệp thì di sản cũng là một phần cần được phát huy hơn nữa. Thành nhà Hồ cũng có nhiều hứa hẹn”, ông Quân nói.

GS Phạm Mai Hùng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng, cho rằng khi Thành nhà Hồ trở thành Di sản văn hóa UNESCO, quy hoạch tổng thể bảo tồn cũng được xây dựng. Vì thế, nếu bây giờ có tiến hành các bước để tiến tới xây dựng lại các công trình xưa thì cũng là từng bước thực hiện dự án thành phần của tổng thể đã duyệt. “Đơn nguyên liên quan đến chính điện phù hợp với chính sử ghi chép và các nghiên cứu về Thành nhà Hồ. Qua các công trình này cũng bắt đầu nhận diện được bề thế của khu vực”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, tại Nara, ngoài phục hồi di tích còn có bảo tàng với nội dung chính là hệ thống các hiện vật, các công trình nghiên cứu phát lộ. “Họ xây dựng hồ sơ rõ ràng để trưng bày. Việc này cũng phải đặt ra để đưa kế hoạch nghiên cứu chuẩn bị”, ông Hùng gợi ý. Điều này, theo ông Hùng, có thể giúp cải thiện mức thu từ bán vé của Thành nhà Hồ, vốn đang thấp nhất so với các di sản khác mà UNESCO vinh danh.

GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng việc tổ chức khảo cổ học với mặt bằng lớn này cho thấy Thanh Hóa đang thay đổi nhận thức về di sản này. “Về bảo tồn, tôi cho rằng, bảo quản cấp thiết đi rồi từng bước tôn tạo để diễn giải lịch sử. Cần diễn giải bằng hình thức nào đấy để tạo hấp dẫn du lịch. Có thể thí điểm cái gì dễ thì làm trước”, ông Bài nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.