1.Chính khách thường “ngán” bị chất vấn. Chả thế mà cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd trước khi trả lời báo giới trong vai trò diễn giả chính tại Đối thoại toàn cầu Singapore hồi tháng 9.2012 đã “nài nỉ”: “Tôi vừa bay sang đây và đến ngay diễn đàn, chưa kịp ăn sáng. Xin hãy hiền từ với tôi”. Trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng và sau này, ông Rudd đã sang Singapore và đối mặt với báo chí rất nhiều lần. Với khuôn mặt khá điển trai, hay cười và có phần thông minh, dí dỏm, hình như ông chưa hề làm mất lòng báo giới nước này.
|
2.Có vóc dáng và phong cách gần giống ông Rudd, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhiều phen khiến báo chí bất ngờ và thán phục bởi tài đối đáp. Tại Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore vào tháng 6.2010, trong bài phát biểu quan trọng khi còn là chủ nhân Lầu Năm Góc, ông Gates đã cáo buộc CHDCND Triều Tiên là thủ phạm đánh đắm chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc trước đó 3 tháng. Ông cũng nói “cứng”, nếu Bình Nhưỡng không tỏ thiện chí bằng cách nhận trách nhiệm và xin lỗi thì Washington sẽ đứng cạnh Seoul tìm các biện pháp trừng phạt thích đáng.
Trong phần hỏi đáp theo sau, một nữ đại biểu đã đề nghị ông Gates cho biết các “biện pháp trừng phạt” là gì. Ông Gates đáp gọn lỏn: “Tôi thích trêu bà hơn”. Ý ông là: Tôi thích để bà tự tìm lấy đáp số hơn là trả lời câu hỏi đó! Cử tọa cười xòa, còn ông Gates thoát êm.
3.Cũng ông Gates tại SLD 2011 đã ứng biến rất thông minh trước “khúc xương” do Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đưa ra. Ông Gates phát biểu rằng Mỹ cam kết duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Giáo sư Mahbubani vặn: “Làm sao ông chắc sẽ làm được điều đó trong khi chính ông nói rằng ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ bị cắt giảm đáng kể?”. Bị “tấn công” bởi một học giả nổi tiếng, ông Gates vẫn bình tĩnh: “Tôi đặt cược với ông 500 USD về chuyện này. Tôi nói Mỹ sẽ hiện diện như hiện nay, nếu không muốn nói là mạnh mẽ hơn”. Rõ ràng, 500 USD thì quá ít để bảo chứng cho một cam kết trọng đại như vậy, nhưng cử tọa đã hài lòng với câu trả lời xuê xoa của ông Gates.
4.Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng là người ứng xử linh hoạt. Tại cuộc đối thoại với hơn 1.200 sinh viên, học giả và quan chức trong nước vào tháng 4.2011 trước thềm tổng tuyển cử, ông Lý đã bị đặt vào một tình huống giả định khó xử. Một sinh viên đã hỏi ông: “Giả sử ông và 2 cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và Goh Chok Tong, cùng 2 phó thủ tướng đương nhiệm là Teo Chee Hean và Wong Kan Seng đi trên một máy bay và gặp nạn, khi ấy ai là người còn lại trong nội các có đủ năng lực để lên làm thủ tướng”. Ông Lý đáp ngay: “Khi đó những người không đi trên máy bay phải ngồi lại mà quyết định chứ”. Rồi ông nói thêm: “Đó là một trong các lý do mà không đời nào chúng tôi lên cùng một máy bay như vậy”.
5.Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 21 hồi tháng 11.2012, đã có cách khéo léo từ chối trả lời phỏng vấn rất giàu... cảm xúc. Tại cuộc họp báo kết thúc ngày 20.11, sau khi đọc bản báo cáo kết quả hội nghị dài lê thê, ông Hun Sen bất ngờ sụt sịt kể lể về sự thương tiếc của mình trước cái chết của cựu hoàng Norodom Sihanouk cách đó hơn 1 tháng. Sau đó ông khóc to và nói rằng: “Nhiều ngày qua mỗi đêm tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ vì lo hội nghị và tiếp khách. Bây giờ tôi hoàn toàn kiệt sức và không thể nhận bất kỳ câu hỏi nào của các bạn. Tôi thành thật xin lỗi”. Cuộc họp báo quan trọng đột ngột kết thúc trong sự ngẩn ngơ của hàng trăm phóng viên.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Lý Quang Diệu, Helmut Schmidt viết sách chung
>> Ông Hun Sen chỉ trích chính khách Thái
Bình luận (0)