Tháng 4.2013, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời, đúng lúc sân Old Trafford chuẩn bị tổ chức trận derby Manchester. Ban tổ chức Premier League tuyên bố: các đội chủ nhà toàn quyền quyết định việc tổ chức phút mặc niệm.
Các tuyển thủ Anh Kevin Keegan (trái), Emlyn Hughes (phải) và bà Thatcher bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh năm 1980 - Ảnh: tư liệu
|
Tuy nhiên, phút mặc niệm ấy không hề xuất hiện tại sân nhà của Manchester United - CLB nổi tiếng nhất nước Anh. Vì sao? M.U không giải thích. Giới quan sát suy đoán: có thể đội chủ sân Old Trafford sợ rằng phút mặc niệm sẽ bị giới hâm mộ làm hỏng. Đúng sai chưa biết. Vấn đề ở đây là: nếu một người hâm mộ trên quê hương bóng đá xúc phạm "Bà đầm thép" ngay cả trong giây phút bà mới qua đời, thì đấy chẳng bao giờ là chuyện bất ngờ. Thế mới lạ!
Đã là chính khách, không ai không biết khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng của môn thể thao vua. Đã vậy, nước Anh lại là quê hương bóng đá. Vậy nên, chẳng có gì lạ khi các đời thủ tướng Anh sau bà Thatcher đều tự gắn mình với bóng đá. John Major là fan ruột của Chelsea. Tony Blair là cổ động viên của Newcastle, thậm chí còn khoe hình đang chơi bóng với Kevin Keegan. Gordon Brown yêu Raith Rovers, dù đấy chỉ là một đội bóng nhỏ. David Cameron là fan Aston Villa, nhưng ông không chỉ theo dõi Villa. Có bức ảnh Cameron vung cả hai tay mừng chiến thắng trong một cuộc họp G8, khi Chelsea vượt qua Bayern Munich ở trận chung kết Champions League. Trong bức ảnh ấy, Tổng thống Mỹ Barack Obama đứng giữa Cameron và Angela Merkel. Trái ngược hoàn toàn với sự hân hoan của Cameron là gương mặt vừa nặng nề, vừa đăm chiêu của bà Merkel. Thủ tướng Đức làm sao không buồn khi đồng hương Manuel Neuer phải vào lưới nhặt bóng sau cú sút của Didier Drogba!
Không thích bóng đá đã đành, "Bà đầm thép" còn ghét cay ghét đắng trò chơi mà nước Anh nghĩ ra. Thậm chí có lúc, bà Thatcher còn định làm chuyện động trời: cấm bóng đá! Dĩ nhiên, chẳng phải muốn cấm là được, nhưng ý tưởng ấy quả đã xuất hiện tại Anh dưới thời Thatcher. Nói cách khác, đấy là một trong những khả năng có thể được tính đến, nếu giới quản lý không thay đổi được bóng đá Anh trong những năm 1980 - 1990.
Thế nào là bóng đá Anh trong thời kỳ ấy? Hooligan phát triển khắp nơi, đạt đến cao trào. Sân bóng thưa thớt người xem, lượng khán giả thấp đến mức kỷ lục. Bạo động bùng nổ, dẫn đến hàng loạt hậu quả nghiêm trọng. Cơ sở vật chất, sân bãi thì lạc hậu và xuống cấp. Với giới hâm mộ Anh trong thời kỳ ấy, hooligan thật sự là con quái vật bất kham. Còn với Margaret Thatcher, bóng đá thật sự là một vấn đề nghiêm trọng mà chính quyền "cần giải quyết". Cứ như "môn thể thao vua" là chướng ngại vật, là cái gai, là đối thủ khó chịu nhất trong sự nghiệp chính trị hoành tráng của bà Thatcher. Bà là người giữ ghế thủ tướng lâu nhất tại Anh trong thế kỷ 20 (từ 5.1979 đến 11.1990), là nữ thủ tướng duy nhất xưa nay tại Anh. Biệt danh "Bà đầm thép" của Thatcher, đến từ Liên Xô, phần nào lột tả được phong cách lãnh đạo cứng rắn và không thỏa hiệp của Thatcher. Và "Bà đầm thép" quyết không thỏa hiệp... với bóng đá.
Tất nhiên, ý tưởng cấm bóng đá (vâng, dù chỉ là ý tưởng) của bà Thatcher là điều mà số đông người hâm mộ không thể tha thứ. Đấy cũng có thể là nguyên nhân vì sao sau này M.U không dám tổ chức nghi thức mặc niệm khi bà Thatcher qua đời. Mặt khác, tuy rằng bóng đá là môn chơi của xã hội, nhưng không ít người đã đổ lỗi cho Margaret Thatcher khi chính quyền của bà ứng phó và xử lý một cách vụng về trước thảm họa Hillsborough (96 người thiệt mạng). Mà bóng đá Anh dưới thời Thatcher đâu chỉ có mỗi thảm họa Hillsborough. Còn có thảm họa Heysel, thảm họa Bradford... Nhìn chung, hầu hết những đạo luật, quy định, ý tưởng liên quan đến việc kiểm soát đám đông mà chính quyền Thatcher đưa ra đều vấp phải sự chỉ trích của công chúng.
Rốt cuộc thì tự thân bóng đá Anh đã phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Premier League ra đời sau khi Margaret Thatcher không còn giữ chức thủ tướng, và nhanh chóng trở thành giải VĐQG danh giá nhất thế giới. Tóm lại, người ta vẫn cho rằng "siêu chính khách" Margaret Thatcher chẳng có đóng góp gì vào những bước tiến quan trọng ấy!
Bình luận (0)