Chính phủ cần đổi mới, nâng cao hiệu quả việc phân cấp, phân quyền

12/08/2021 07:00 GMT+7

Hôm qua 11.8, phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 với nhiều nội dung quan trọng đã được tập trung thảo luận.

Trong đó, đáng chú ý là nội dung về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 2021 - 2025.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu tại phiên họp này. Phiên họp còn có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban Đảng…

Không để “cua cậy càng, cá cậy vây”

Phát biểu tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là một phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều phương diện, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phiên họp diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Tổng bí thư bày tỏ, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ trong 75 năm qua đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức bộ máy, phương thức và lề lối làm việc, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp. Do đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.
“Đặc biệt là cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị này với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, HĐND các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc VN… bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây", Tổng bí thư lưu ý.
Theo Tổng bí thư, Chính phủ cần tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn", vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, Tổng bí thư đã tập trung phân tích vào 4 vấn đề lớn.
Thứ nhất, về phát triển kinh tế, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, về phát triển văn hóa, xã hội, một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở VN là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Thứ ba, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
“Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh theo đúng phương châm: "Phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH phải luôn luôn quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh”, Tổng bí thư lưu ý.

Kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng

Thứ tư, về xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, theo Tổng bí thư, “đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ”. Vì vậy, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, Tổng bí thư nhấn mạnh “phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Tổng bí thư tin tưởng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ quán triệt đầy đủ, sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả. “Chính phủ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu qua các thời kỳ, nhất là Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV, kiên quyết, kiên trì, không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức; biến nguy thành cơ, khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng, thế mạnh; kiên định mục tiêu, định hướng đề ra; tiếp tục đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; hành động quyết liệt với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, Thủ tướng bày tỏ, đồng thời cam kết về quyết tâm xây dựng Đảng và bộ máy hành chính nhà nước từ T.Ư đến địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện; đoàn kết, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; vì nhân dân, gần dân, trọng dân.
Thủ tướng cho hay trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Chính phủ sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, xử lý dứt điểm những điểm nghẽn, những hạn chế, yếu kém để thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước ta. Kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Kiên định mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Trình bày báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thêm, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025.
Đầu tiên là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH.
Hai là củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Ba là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
Bốn là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả.
Năm là đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia.
Sáu là thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị…
Một số chỉ tiêu quan trọng được Chính phủ xác định trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 như: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.