Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024 của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ theo nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, Bộ Tài chính phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân...
Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng. Đây là mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh và áp dụng từ tháng 7.2020. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh này đang bị lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mức giảm trừ gia cảnh cho chính bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc không thể nào đảm bảo được toàn bộ chi phí ăn uống, học hành, khám chữa bệnh...
Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo luật Thuế thu nhập cá nhân). Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.
Ngoài ra, bình quân mỗi người dân chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải được nâng lên tương ứng.
Bình luận (0)