Chính phủ chỉ thị: Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề

29/05/2020 16:41 GMT+7

Theo chỉ thị của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, địa phương phải khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề , tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Năm 2030, Việt Nam là 1 trong 4 nước mạnh của ASEAN về giáo dục nghề nghiệp

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Mục tiêu Thủ tướng đặt ra với toàn hệ thống là phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ nhóm 4 nước mạnh nhất ASEAN về giáo dục nghề nghiệp (gọi là các nước ASEAN-4), đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.
Chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mục tiêu đề ra trong nghị quyết của T.Ư và Chính phủ; nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; bên cạnh đó, rà soát, đẩy mạnh triển khai, quản lý hiệu quả các chương trình, dự án, liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề...
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong giáo dục nghề nghiệp như: liên kết đào tạo; nghiên cứu khoa học; trao đổi học thuật... Tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam…

Ưu đãi thuế doanh nghiệp giáo dục nghề nghiệp

Trong chỉ thị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý trực tiếp về giáo dục nghề nghiệp, phải thực hiện một loạt nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp như xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp...
Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì tổng hợp phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn, hàng năm và các nguồn vốn khác để phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhân lực và khả năng cân đối của ngân sách trong từng thời kỳ.
Bộ Tài chính rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về ưu đãi thuế với doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Thủ tướng yêu cầu địa phương chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chất lượng cao theo các chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, địa phương phải khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; thực hiện việc kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thuận lợi tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.