Trước đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu nghiên cứu đề án đường sắt tốc độ cao.
Bộ GTVT đã xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình cấp có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ GTVT với nhiều điểm mới, rõ hơn so với các cuộc họp trước đây, tương đối đầy đủ, thuyết phục.
Đồng thời, yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa, thuyết phục hơn nữa với một số nội dung liên quan tới cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Theo đó, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có đầy đủ cơ sở chính trị (Kết luận 49 của Bộ Chính trị), cơ sở pháp lý (Nghị quyết số 103 của Quốc hội).
Cơ sở thực tiễn của dự án là nhu cầu vận tải rất lớn, nhất là vận tải hành khách theo trục Bắc - Nam, chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với thế giới, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.
Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/giờ.
Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông Bắc - Nam đã có 3 tuyến đường bộ (gồm QL1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt.
Do đó, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng - an ninh khi có nhu cầu.
Đồng thời, tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp. Lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam.
Tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp… Từ đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn (vốn T.Ư, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp...).
Thủ tướng cũng lưu ý cần phương án tổ chức quản lý theo hướng thông minh, hiện đại, số hóa (gồm quản lý kinh doanh vận tải và quản lý kết cấu hạ tầng). Đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hình thành hệ sinh thái để phát triển ngành công nghiệp đường sắt với bước đi, lộ trình phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, Bộ GTVT bổ sung, làm rõ thêm thật thuyết phục các nội dung trên, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, cầu thị lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, hoàn thiện đề án, báo cáo Chính phủ tại phiên họp sắp tới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bình luận (0)