Bội chi ngân sách đã tính tới đề phòng tái lạm phát
Phó thủ tướng khẳng định, giữ tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% là hợp lý. “Cũng có đại biểu phân vân về mức tăng trưởng này, nhưng nếu giảm thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của nước ta”, Phó thủ tướng nói.
Trong phiên khai mạc, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho biết, xem xét diễn biến giá dầu thô trong những ngày gần đây có xu hướng tăng lên và yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế và đề phòng lạm phát cao trở lại thì mức bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được.
“Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ sẽ điều hành mức bội chi thấp nhất và giảm dần trong các năm tiếp theo”, Phó thủ tướng cam kết.
Kích cầu đúng địa chỉ
Chúng tôi rất muốn tại diễn đàn này, Phó thủ tướng cho biết tình hình biển Đông hiện nay ra sao? Chính phủ làm nhiều nhưng Chính phủ chưa nói cho dân biết, người dân không biết hiện nay vùng tranh chấp là như thế nào, trong khi đó chúng ta khuyên là ngư dân Việt Nam đừng ra đánh cá ở nơi tranh chấp? - ĐB Dương Trung Quốc |
“Tất cả các nguồn tiền đó đã có trong lưu thông, không phải phát hành thêm. Các chính sách đó đều có giới hạn về thời gian và có chọn lọc về các đối tượng. Hết thời hạn đó, tùy tình hình cụ thể, sẽ có những giải pháp tiếp theo”, Phó thủ tướng trình bày.
Một số ĐB cũng cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra nếu không thực hiện tốt các gói kích cầu, nhất là gói đầu tư công cũng như một số thiếu sót bất cập trong thực hiện gói kích cầu này. Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khắc phục kịp thời các vướng mắc, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp và tổ chức kiểm tra chặt chẽ, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, sử dụng các nguồn vốn kích cầu sai mục đích và lãng phí, đồng thời có các giải pháp bù hụt thu ngân sách do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng cho địa phương.
Làm rõ trách nhiệm trong điều hành xuất khẩu gạo
Trong quá trình thảo luận tại QH, nhiều ĐB đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông), tiếp tục hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt trong điều kiện suy giảm kinh tế hiện nay. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành, trong đó có chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, vay vốn sản xuất, kinh doanh và học tập, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình 134, 135, để năm 2010 hoàn thành các mục tiêu và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó thủ tướng cũng đề cập đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, tạo việc làm và xuất khẩu lao động; thường xuyên nắm số lao động thôi việc, mất việc do suy giảm kinh tế để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tái đào tạo nghề, cung cấp tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động đến các thành phố, khu công nghiệp tập trung.
“Hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam theo pháp luật và hợp tác với các nước để giải quyết vấn đề lao động nước ngoài cũng như các nước đối tác đã hợp tác với ta để giải quyết lao động Việt Nam”, Phó thủ tướng nói.
Chính phủ đã gửi báo cáo về ranh giới ngoài của thềm lục địa cho Liên Hiệp Quốc, báo cáo này được gửi theo đúng tinh thần của Công ước 82 mà QH phê chuẩn - Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng |
Mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng là một ưu tiên khác của Chính phủ được Phó thủ tướng đề cập. Trong đó đặc biệt ông đề cập đến chính sách về khuyến khích ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và các doanh nghiệp, phương thức hợp tác “bốn nhà”; xây dựng hệ thống chợ đầu mối và chợ nông thôn.
Đối với việc điều hành xuất khẩu gạo và hoạt động của hiệp hội lương thực, Phó thủ tướng cho rằng: “Chính phủ luôn luôn quan tâm để cùng một lúc đạt cho được các mục tiêu: bảo đảm an ninh lương thực với giá lương thực nội tiêu hợp lý, giá gạo xuất khẩu có lợi cho người nông dân, bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho người xuất khẩu gạo, hạn chế các thiệt hại do tranh mua, tranh bán và do yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, xuất khẩu lương thực được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện”.
“Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ liên quan và hiệp hội lương thực nghiêm túc rút kinh nghiệm và bàn các biện pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn trong công tác điều hành xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu gạo, bảo đảm minh bạch và rõ trách nhiệm của các bên tham gia”, Phó thủ tướng cam kết.
Trữ lượng bauxite đảm bảo khai thác khoảng 100 năm
Về vấn đề quy hoạch và khai thác bauxite, Phó thủ tướng giải trình: Nước ta đứng trong số các nước có trữ lượng bauxite hàng đầu thế giới, khoảng 5,5 tỉ tấn và tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.
“Nếu với quy mô khai thác theo quy hoạch thì có thể khai thác trong khoảng một trăm năm (nếu chỉ để đáp ứng các nhu cầu trong nước, không xuất khẩu thì có thể khai thác trong vòng vài trăm năm)”, Phó thủ tướng giải trình.
Ông nói: “Theo các quy định hiện hành, QH không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch. Trong quá trình triển khai 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ và khi có ý kiến của một số đồng chí lão thành cách mạng và nhà khoa học, Chính phủ đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của tất cả mọi người, đã tổng hợp các ý kiến đó một cách nghiêm túc, trung thực báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị”.
Theo Phó thủ tướng, các dự án Tân Rai và Nhân Cơ do nước ta tự đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Việc thiết kế và xây dựng được thực hiện thông qua đấu thầu quốc tế công khai, đơn vị trúng thầu là một công ty Trung Quốc có uy tín trong lĩnh vực này.
“Đến ngày 1.6.2009, trên cả 2 dự án có 667 người lao động nước ngoài (gồm 4 công dân Úc và 663 công dân Trung Quốc) làm việc được quản lý theo pháp luật của Việt Nam. Số lao động này sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước”, Phó thủ tướng cho biết.
Tái cấu trúc nền kinh tế
Nhiều ĐB lưu ý Chính phủ, trong khi tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện tốt các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, cần phải chủ động chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Phó thủ tướng giải thích: “Thực chất một số giải pháp kích thích kinh tế mà chúng ta đã và đang áp dụng chính là đã thể hiện tư tưởng này”.
Ông nói, hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án Tái cấu trúc nền kinh tế. Đề án sẽ tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.
Phó thủ tướng cho biết, đề án sẽ đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước; bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh, cân đối, hiệu quả, tiết kiệm, bền vững, có sức cạnh tranh cao trong điều kiện hội nhập quốc tế; gắn phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nhanh các ''điểm nghẽn'' phát triển.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh đến nội dung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trên các lĩnh vực như cán bộ lãnh đạo và hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia khoa học công nghệ đầu đàn và công nhân lành nghề...
“Nóng” vấn đề bauxite
Tại hội trường sau khi nghe báo cáo giải trình của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, ĐB Dương Trung Quốc lên tiếng: “Trong giải trình, Phó thủ tướng cho biết việc không đưa dự án bauxite ra QH là lỗi tại QH vì QH không yêu cầu. Trong khi đó có nhiều ý kiến đặt vấn đề phải chăng đấy là chúng ta tách nhỏ hoặc chúng ta lách luật?”. Phó thủ tướng thường trực: “Tôi không có ý đổ lỗi cho QH, không có từ nào là lỗi của QH. ĐB Dương Trung Quốc đứng dậy: “Phó thủ tướng nói rằng, không phải đổ lỗi cho QH nhưng ngôn ngữ, cách nói thôi, QH không đặt ra thì chúng ta không trả lời là đúng thôi. Như thế trách nhiệm là về phía QH còn gì”. Ông Dương Trung Quốc tiếp tục: “Phó thủ tướng thường trực chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, có phải tách nhỏ dự án ra không?”. Phó thủ tướng thường trực: “Chúng ta lập từng dự án theo quy định của pháp luật, mỗi dự án có xem xét một cách khá toàn diện, phải khảo sát, phải thăm dò, lập dự án chế biến, khai thác và quy trình để giải quyết những vấn đề đằng sau khai thác tài nguyên”. Theo ông, nếu xây dựng một dự án là bauxite nói chung của cả nước thì không có cách gì có thể làm được mà chỉ có thể làm quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch thì lập dự án, lập dự án mới giải quyết được quy trình của nó một cách đầy đủ, mới bảo đảm được chất lượng của dự án, trong đó có nhiều vấn đề về cả môi trường, kinh tế, hiệu quả, vấn đề quốc phòng, an ninh... Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết hỏi: “Vì sao trong thời gian gần đây có nhiều đề án, dự án của Chính phủ không nhận được sự đồng tình cao trong xã hội, thậm chí gây phản ứng gay gắt từ một số bộ phận cử tri, phải chăng vì việc xây dựng các dự án, đề án ấy có phần chủ quan, hay vì chúng ta không thực hiện kịp thời công khai thông tin?”. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cải chính: “Phải nói như thế này thì chính xác hơn, tức là có nhiều dự án vẫn còn một số ý kiến, có dự án có nhiều ý kiến”. Phó thủ tướng cho rằng: “Chúng ta thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân thì những ý kiến góp ý rất được hoan nghênh, những ý kiến khác vẫn còn cũng là chuyện bình thường, không nên coi đấy là những việc không đồng thuận”. Phó thủ tướng thường trực cũng thẳng thắn: “Có những dự án sai, Chính phủ phải sửa, các tỉnh phải sửa hoặc ngành phải sửa”. X.T |
Giữ vững chủ quyền biển đảo Liên quan đến vấn đề về khai thác hải sản của ngư dân nước ta, ĐB Dương Trung Quốc bức xúc: “Chúng tôi rất muốn tại diễn đàn này, Phó thủ tướng cho biết tình hình biển Đông hiện nay ra sao? Chính phủ làm nhiều nhưng Chính phủ chưa nói cho dân biết, người dân không biết hiện nay vùng tranh chấp là như thế nào, trong khi đó chúng ta khuyên là ngư dân Việt Nam đừng ra đánh cá ở nơi tranh chấp?”. Phó thủ tướng cho biết, đường biên giới trên bộ chúng ta đã giải quyết tốt, trên biển cũng đã giải quyết tốt vùng vịnh Bắc Bộ, đã phân ranh giới, có bàn tới cả hiệp định đánh cá. Còn vùng biển còn lại thì chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác đấu tranh trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền về biển đảo của đất nước chúng ta. Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã gửi báo cáo về ranh giới ngoài của thềm lục địa cho Liên Hiệp Quốc, báo cáo này được gửi theo đúng tinh thần của Công ước 82 mà QH phê chuẩn. Giám sát dự án khai thác bauxite Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã dành hẳn một phần để nói về dự án khai thác bauxite. Ông cho rằng, những ý kiến thảo luận và chất vấn tại hội trường về dự án bauxite đều là những ý kiến mang tính xây dựng, trách nhiệm, chân thành, chí ít cũng là những ý kiến phản biện, những ý kiến lưu ý, những ý kiến nhắc nhở, những ý kiến cảnh báo mà chúng ta không nên bỏ qua, hết sức xem trọng những ý kiến đó. Chủ tịch QH đề nghị: “Trong quá trình triển khai chỉ đạo thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về dự án khai thác bauxite thì tiếp tục lắng nghe, thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng thay đổi những cái gì mình thấy không hợp lý, để làm sao cho dự án vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất”. Người đứng đầu QH cũng khẳng định: “Về phía QH, chúng tôi sẽ thực hiện đúng chức năng giám sát. Bảo đảm làm sao cùng Chính phủ, cùng với các cơ quan khác trong toàn hệ thống chính trị thúc đẩy thực hiện cho được chủ trương mang tính chiến lược rất quan trọng này”. Sẽ thí điểm tổ chức các phiên điều trần Nhìn nhận lại việc trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Phiên chất vấn tại kỳ họp này là có chất lượng, tiếp tục có bước đổi mới, cải tiến theo chiều sâu hơn, thực chất hơn, được cử tri, nhân dân và dư luận xã hội đánh giá tốt”. Tuy nhiên, bên cạnh mặt được, người đứng đầu QH cũng chỉ rõ: “Có những việc muốn nhưng cũng chưa đạt được, chất lượng và hiệu quả vẫn là vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao. Một số nội dung vẫn chưa thật tập trung theo nhóm vấn đề đã xác định". Chủ tịch QH đề nghị, các thành viên Chính phủ được trả lời chất vấn sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa của mình. Việc thực hiện này sẽ được báo cáo với QH tại kỳ họp sau. Chủ tịch QH cũng cho biết thêm, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp tục tổ chức một số phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của ủy ban giữa 2 kỳ họp. Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ hoặc là người đứng đầu nhận được chất vấn, nhưng chưa có điều kiện trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 sẽ tham gia trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ QH. Chủ tịch QH đề xuất và xin QH cho áp dụng một hình thức giám sát mới là tổ chức điều trần tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH và các đoàn đại biểu QH. Xuân Toàn |
An Nguyên
Bình luận (0)