Gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động trực tiếp
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ vừa ký Nghị quyết 68 về Ban hành một số chính sách hỗ trợ đối người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết gồm 12 giải pháp hỗ trợ người lao động với số tiền hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch là công nhân và lao động trực tiếp.
Theo Nghị quyết, có 4 nguyên tắc cơ bản trong việc hỗ trợ gồm: kịp thời, đúng đối tượng; đơn giản nhất, thủ tục giảm 2/3 so với gói trước; khả thi, trong 1 đối tượng không hỗ trợ 2 lần (trừ phụ nữ mang thai, cha mẹ nuôi trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ đang là F0 và F1 phải cách ly); và phân bổ ngân sách rõ ràng giữa T.Ư với địa phương.
Nghị quyết đưa ra 12 nhóm chính sách giảm mức đóng bảo hiểm về tai nạn lao động nghề nghiệp (hiện người sử dụng đóng 0,65% mức lương, quy định giảm cho tất cả, với thời gian giảm 12 tháng). Dự kiến, 11 triệu người được thụ hưởng gói hỗ trợ trị giá 3.800 tỉ đồng.
Nghị quyết của Chính phủ cũng xác định rõ, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên chức không thuộc đối tượng hưởng chính sách này. Người sử dụng lao động sử dụng số tiền này hỗ trợ cho người lao động trực tiếp...
Ngoài ra, sẽ thực hiện đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với nguồn kinh phí từ Quỹ BHTN. Đây là lần đầu tiên sử dụng quỹ này để doanh nghiệp và người sử dụng lao động được dùng kinh phí này đề đào tạo, chuyển đổi và duy trì công việc (mỗi người 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng, thời gian từ 1.7.2021 - 1.7.2022).
Hỗ trợ thấp nhất 1,5 triệu đồng/người/tháng, hoặc không dưới 50.000 đồng/người/ngày
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết của Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh phải chăm lo các đối tượng lao động tự do.
“Đây là một trong những đối tượng ảnh hưởng trực tiếp, nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất do đặc thù đi lại nhiều, khó xác định. Thực tế, khi triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã gặp rất nhiều nhiều khó khăn. Đơn cử như nhiều ông tổ trưởng Tổ dân phố phản ánh là đi khảo sát nhiều lần mới hỗ trợ được cho đối tượng là người lao động tự do”, Bộ trưởng Dung nói.
|
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi xây dựng Nghị quyết này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc với nhiều địa phương có nhiều lao động tự do như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… để lắng nghe ý kiến.
“Chính phủ có chủ trương hỗ trợ người lao động tự do, nhưng giao toàn quyền cho cấp địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình ngân sách của mình để xây dựng phương án, xác định đối tượng, mức hỗ trợ”, theo ông Dũng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu ví dụ, trong gói 886 tỉ đồng của TP.HCM vừa thông qua, xác định một số nhóm người lao động hành nghề: xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo… được hỗ trợ. Tại Đà Nẵng, huy động hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng. Tại Hà Nội cũng có nhiều phương án hỗ trợ cho người lao động… Tuy nhiên, Chính phủ đã xác định mức sàn tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người/tháng, hoặc không dưới 50.000 đồng/người/ ngày. Ngân sách gói hỗ trợ cho lao động tự do do địa phương tự cân đối nguồn thu, dự phòng để tự quyết.
Tổng số chính sách hỗ trợ của Chính phủ từ khi có đại dịch Covid-19, ước tính khoảng 160.000 tỉ đồng đối với các chính sách hỗ trợ. Trong đó, riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng từ ngân sách nhà nước và các chính sách hỗ trợ từ nhiều nguồn khác, với khoảng 39.000 tỉ đồng.
Theo ông Dung, gói hỗ trợ theo Nghị quyết mới này sẽ không chạy song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã triển khai trước đó, đến nay đã hết hạn. Số tiền còn lại của gói Nghị quyết 42 đã chuyển sang để sử dụng cho những công việc khác.
“Tinh thần hỗ trợ là đơn giản hoá thủ tục tối đa, cái gì luật không bắt buộc thì có thể bỏ qua, chưa có tiền lệ. Sau gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã rút ra kinh nghiệm, để tinh giảm tối đa thủ tục", ông Dung nói.
Bình luận (0)