Chính phủ làm việc với 12 tập đoàn tư nhân tổng tài sản 70 tỉ USD

21/09/2024 10:18 GMT+7

Sáng 21.9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với 12 tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn - được ví như "hội nghị Diên Hồng" đối với doanh nghiệp tư nhân để cùng trao đổi về vai trò với phát triển kinh tế đất nước.

Cùng tham dự hội nghị có các Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp: VinGroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, SunGroup, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).

Chính phủ làm việc với 12 tập đoàn tư nhân tổng tài sản 70 tỉ USD- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với 12 tập đoàn tư nhân lớn

ẢNH: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đây là cuộc làm việc đầu tiên theo chuyên đề được tổ chức và các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tổ chức các hội nghị chuyên đề tiếp theo.

Hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết T.Ư 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Đất nước đang có khí thế phát triển mới

Theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.

Hiện quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng cũng cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao.

Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy vai trò là một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Hội nghị T.Ư 10 vừa qua đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới. Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ. Các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.

"Hội nghị Diên Hồng" với khối tư nhân

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã xuất hiện lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như VinGroup, Thaco, Hòa Phát... Tuy nhiên, dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng vẫn chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng.

Chính phủ làm việc với 12 tập đoàn tư nhân tổng tài sản 70 tỉ USD- Ảnh 2.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng ví von đây là hội nghị Diên Hồng của Chính phủ với lĩnh vực kinh tế tư nhân

ẢNH: NHẬT BẮC

Tỷ trọng đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn... còn thấp; chưa có dự án quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá.

Trong khi đó, theo ước tính của WB, 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn nhất, các doanh nghiệp lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn như Samsung, Hyundai hay SK. Hay nhắc đến Honda, Toyota là nghĩ ngay đến Nhật Bản.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia hội nghị đạt khoảng 70 tỉ USD. Việc huy động khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nhân lực cao sẽ bổ sung một nguồn lực lớn cho đất nước.

"Hội nghị hôm nay giống như hội nghị Diên Hồng với doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về các vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò các doanh nghiệp lớn", ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng gợi ý cần tập trung trao đổi tình hình hoạt động của các tập đoàn lớn, có vướng mắc gì cần tháo gỡ? Với các nhiệm vụ lớn, các doanh nghiệp có mạnh dạn đăng ký thực hiện nhiệm vụ nào không?...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.