Trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 3.6, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, điều chỉnh chương trình năm 2019, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình 2 dự án, lùi thời gian trình 2 dự án, đồng thời bổ sung 5 dự án luật và 1 pháp lệnh.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ đối với 7 dự án.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa ra khỏi chương trình 1 dự án (luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế bảo vệ môi trường); lùi thời gian trình 1 kỳ họp đối với dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp (từ kỳ họp 7 sang kỳ họp 9).
Bên cạnh đó, bổ sung vào chương trình 5 dự án, gồm: 1 dự án vào kỳ họp 7 (luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ) và 3 dự án tại kỳ họp 8 (luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống thiên tai và luật Đê điều; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng).
Tuy nhiên, đối với dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai, ông Định cho hay, Chính phủ đề nghị rút dự án luật này ra khỏi Chương trình năm 2019 và cho biết sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án luật đã được đưa vào Chương trình năm 2019, nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 36 ngày 6.9 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
“Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự án luật này ra khỏi Chương trình như Chính phủ đề nghị, mà lùi thời gian trình Quốc hội sang cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2020)”, ông Định thông tin.
Thời gian thích hợp là thời gian nào?
Thảo luận sau đó, đại biểu Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận đất đai luôn là vấn đề nóng từ trước tới nay, do đó luôn cần phải theo dõi, sửa đổi bổ sung cho đáp ứng được nhu cầu quản lý đất đai trên toàn quốc.
“Năm 2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình làm luật và pháp lệnh, trong đó có quy định rất rõ kỳ họp 7 này là kỳ họp sẽ cho ý kiến lần đầu về sửa đổi một số điều của luật Đất đai và sẽ thông qua ở kỳ họp cuối năm nay, kỳ họp thứ 8. Không hiểu vì sao tờ trình của Chính phủ lại trình cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin rút lại chương trình và xin bố trí lại vào thời gian thích hợp?”, đại biểu Thân băn khoăn.
Đại biểu tỉnh Khánh Hòa cho biết, với tư cách là Ủy viên Ủy ban Pháp luật, ông đã phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Pháp luật là "thời gian thích hợp là thời gian nào?"
“Nếu để sau năm 2020 thì có lẽ chúng ta chuyển nhiệm vụ sửa đổi một số điều của luật Đất đai này từ Quốc hội khóa 14 sang Quốc hội khóa 15”, đại biểu này nói, và đề nghị Quốc hội giữ theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sẽ xem xét, cho ý kiến dự thảo luật này tại kỳ họp đầu năm 2020 và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2020.
Cũng theo đại biểu Thân, liên quan tới luật Đất đai, có khá nhiều vấn đề đặt ra phải sửa đổi, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất như thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, để bảo vệ lợi ích quốc phòng, an ninh; giá đất để bồi thường cho người dân khi thu hồi đất và giá đất để thực hiện các dự án, giá đất để thực hiện các dự án BT và hàng loạt các vấn đề khác.
Cụ thể, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng, vấn đề ban hành khung giá đất trong vòng 5 năm ổn định, bảng giá đất cụ thể còn quá nhiều bất cập; chế độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư bất ổn nên vẫn xảy khiếu kiện đông người và đặc biệt là khiếu kiện kéo dài.
“Có một câu chúng ta thường nói là sau khi tái định cư cuộc sống tốt hơn trước, nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng ta cần xem xét lại quy định của chúng ta”, đại biểu Thân đề nghị.
Báo cáo giám sát của Quốc hội đề nghị khẩn trương sửa luật Đất đai
Trước đó, trong phần kiến nghị của Báo cáo kết quả giám sát việc sử dụng, quản lý đất đai đô thì từ khi luật Đất đai có hiệu lực (2013) đến 2018, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai năm 2013 và các nghị định có liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập.
|
Bình luận (0)