Sáng 1.11, tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Thành phố Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc áp dụng quy định về trách nhiệm nêu gương vừa được hội nghị T.Ư 8 ban hành, trong đó có yêu cầu yêu cầu các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư phải chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín.
"Theo Phó thủ tướng, làm thế nào để quy định này áp dụng được với các đảng viên, cán bộ?", ông Trí nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, từ chức là một vấn đề mới ở Việt Nam. Đây là hình thức tự nguyện nếu người được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khỏe, uy tín hoặc nếu có vi phạm.
Trong luật Cán bộ, công chức hiện nay cũng có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức; riêng với cán bộ thì có hình thức bãi nhiệm và miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.
Từ đó, ông Bình cho hay, sau hội nghị T.Ư 8 ban hành quy định về nêu gương thì Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những văn bản quy phạm pháp luật vì vấn đề từ chức không chỉ ở Chính phủ mà trong toàn hệ thống chính trị từ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Quốc hội, Chủ tịch nước…
“Đây là vấn đề khá rộng cần phải nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện”, ông Bình nhận định.
Về phần Chính phủ, Phó thủ tướng cho biết sẽ nghiên cứu để ban hành văn bản, chẳng hạn một nghị định hướng dẫn cụ thể những văn bản của Quốc hội hay luật Cán bộ, công chức.
“Việc từ chức là tự nguyện. Còn nếu không từ chức thì khi có vi phạm và nếu bỏ phiếu tín nhiệm không đạt theo quy định vẫn bị bãi nhiệm và những vi phạm về mặt pháp luật vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Bình cho biết.
Không điều động, luân chuyển cán bộ bị kỷ luật
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về vấn đề luân chuyển cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Chính trị đã có ban hành Quy định số 98 ngày 7.10.2017 về vấn đề luân chuyển cán bộ.
Theo đó, quy định không điều động về T.Ư hoặc về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín sụt giảm và không có triển vọng phát triển. Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ và trong quy hoạch, có phát triển, có phẩm chất chính trị đạo đức, có lối sống năng lực công tác tốt và phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.
Bộ Chính trị sau đó đã có kế luận về nguyên tắc điều động phân công, bố trí công tác của cán bộ T.Ư luân chuyển, giao cho Ban Tổ chức T.Ư chủ trì phối hợp với cấp ủy và các tổ chức vấn đề luân chuyển cán bộ xem xét và đề xuất phương án bố trí cán bộ.
“Theo trách nhiệm của Bộ Nội vụ thì chúng tôi được giao nhiệm vụ sẽ xây dựng cơ chế chính sách thực hiện phương án cán bộ luân chuyển, trong đó có chính sách về vấn đề nhà công vụ, hỗ trợ đi lại, hoạt động phí, vấn đề nhà ở trên địa bàn khó khăn, phụ cấp trách nhiệm”, ông Tân nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ sẽ đề xuất với ban tổ chức T.Ư và các cơ quan có chức năng cần phải rà soát và thực hiện đúng các đối tượng luân chuyển theo quy định.
Thứ hai, luân chuyển không kết hợp với việc đề bạt, bổ nhiệm để tránh tình trạng chạy luân chuyển, phải bố trí chức danh tương đương thôi.
Thứ ba, phân cấp cho rõ trách nhiệm của cơ quan đề nghị luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan tiếp nhận luân chuyển và cơ quan thẩm định hồ sơ để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan và có xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)