Đó là yêu cầu của Thủ tướng với Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Nhìn lại hành trình metro ở 2 thành phố lớn nhất đất nước, có thể hiểu được sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ. Nếu Hà Nội sau hơn một thập niên với 4 lần trễ tiến độ, tới năm 2021 cũng đã chính thức có tuyến metro đầu tiên Cát Linh - Hà Đông thì người dân TP.HCM vẫn chưa thể trải nghiệm đường sắt đô thị sau hơn 16 năm tính từ khi khởi công tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Đáng nói, metro số 1 của TP.HCM đã về sát vạch đích nhưng hiện vẫn còn một số vướng mắc với nhà thầu Nhật Bản. Chúng ta đều biết với rất nhiều người dân TP.HCM nói riêng và người dân trên cả nước nói chung, metro không chỉ là phương tiện giao thông giúp giảm ùn tắc, kẹt xe mà còn là một trong những hiện thân của thành phố công nghiệp, hiện đại. Họ đã chờ đợi metro trong tâm thế đó.
Đặc biệt, nếu chúng ta chứng kiến đoàn cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ tham gia đợt chạy thử nghiệm tự động lần đầu tiên trên tuyến metro số 1 tổ chức ngày 26.4 nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024) vừa rồi sẽ thấy giấc mơ đường sắt đô thị tươi đẹp và ý nghĩa đến nhường nào. Với họ, những cựu chiến binh của trận đánh "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm trước, metro là tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng của đất nước sau chiến tranh. Đại tá Nguyễn Tầm Thường (Thủ Đức), một trong những cựu binh có mặt trong buổi hôm đó, đã chia sẻ: "Thời của chúng tôi là đất nước đứng lên, là những cuộc trường chinh gian khổ. Qua bao nhiêu cam go, chúng ta đã được chứng kiến đất nước phát triển như ngày hôm nay. Hành trình tuyến metro số 1 này khởi công và hoàn thành đến nay chính là một phần của công cuộc phát triển mạnh mẽ ấy. Chúng ta đang đi lên và sẽ hướng tới tương lai rạng rỡ". Tâm thế ấy, niềm tin ấy khiến nhà nước càng quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro đã được phê duyệt.
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, Tổ công tác rà soát và giải quyết các khó khăn vướng mắc của tuyến metro số 1 mà TP.HCM mới thành lập đã và vẫn liên tục họp với nỗ lực cao nhất để đưa vào khai thác tuyến metro số 1.
Bởi vận hành tuyến metro số 1 còn có ý nghĩa rất lớn để thuyết phục người dân về mục tiêu lớn xây dựng xong 200 km trong chưa đầy 12 năm mà lãnh đạo TP.HCM đặt ra. Với Hà Nội, Đồ án quy hoạch thủ đô xác định có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch trước đó.
Đặt metro trong giấc mơ và khát vọng tươi đẹp của người dân; trong bối cảnh đô thị ngày càng áp lực vì kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường; trong nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa của việc Chính phủ trực tiếp "quản" tiến độ các dự án đường sắt đô thị ở 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Bình luận (0)