(TNO) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3.2015, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo giảm 1 - 1,5%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn.
Chính phủ muốn giảm lãi suất trung, dài hạn gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đây đã lần thứ 2 trong năm 2015, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải thực thi nhiệm vụ này. Trước đó, trong nội dung Nghị quyết ban hành tháng 2, sốt ruột trước tình trạng lãi vay trung dài, hạn còn cao, Chính phủ yêu cầu phải cắt giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Điểm khác biệt trong lần chỉ đạo này là Ngân hàng Nhà nước phải dùng biện pháp thị trường để can thiệp, không dùng mệnh lệnh hành chính. Cùng với nhiệm vụ trên, Ngân hàng Nhà nước phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; điều hành tỷ giá phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chú ý tác động của tỷ giá đến xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát, nợ công; đồng thời, phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại lãi suất cho vay bằng VND các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7 - 9%/năm kỳ vay ngắn hạn; 9,5 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.
Hiện lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 6%/năm, 5,5 - 7%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất huy động bằng USD bằng mức trần quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của cá nhân.
Bình luận (0)