Chính phủ yêu cầu ‘Bộ TN-MT hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến doanh nghiệp’

24/09/2021 12:08 GMT+7

Chính phủ lưu ý, Bộ TN-MT hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong dự thảo Nghị định của luật Bảo vệ môi trường .

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành đối với Bộ TN-MT, liên quan đến ý kiến góp ý của các doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Văn bản cho biết, thời gian qua, các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam… đã có công văn góp ý về dự thảo nghị định.
Về việc này, Phó thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính… làm việc với các hiệp hội về các kiến nghị liên quan đến nội dung dự thảo nghị định.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT lưu ý các quy định của dự thảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công tác quản lý nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

Thêm một loại chi phí tương đương thuế phí?

Tại các văn bản góp ý của các hiệp hội và một số bộ, ngành, một trong những vấn đề nhận được quan tâm nhiều là các quy định liên quan đến việc tăng chi phí môi trường của doanh nghiệp, cụ thể là việc đóng góp kinh phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Ví dụ như dự thảo quy định các đơn vị sản xuất, kinh doanh kẹo cao su phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su. VCCI góp ý rằng, quy định này là không phù hợp vì việc thu tiền xử lý chất thải trên mỗi sản phẩm sẽ đánh đồng giữa người tiêu dùng có trách nhiệm (thải bỏ đúng cách, đúng chỗ) với người tiêu dùng không có trách nhiệm (là đối tượng thải ra các sản phẩm cần thu gom, xử lý).
Bộ Công thương cho rằng, việc này không giải quyết gốc rễ được vấn đề hạn chế xả thải mà còn làm tăng chi phí sản phẩm khiến đa phần người tiêu dùng phải trả thêm tiền để giải quyết hậu quả do một số ít người gây ra.
Còn Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế thì thắc mắc, hiện không có bằng chứng cho thấy rác thải kẹo cao su là một vấn đề rác thải nghiêm trọng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Ngoài ra, cũng chưa rõ cách tính mức phí đang được đề xuất, trong khi không có bằng chứng cụ thể dựa trên dữ liệu về khối lượng rác thải kẹo cao su và chi phí làm sạch tương ứng tại Việt Nam.
Tương tự là quy định gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất 2 công đoạn gồm thu gom sản phẩm thải bỏ và tổ chức tái chế các sản phẩm. Theo VCCI, công đoạn khó khăn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc thu gom vì sau khi người tiêu dùng mua sản phẩm, họ thường không có thói quen và động lực đưa sản phẩm thải bỏ về nơi tiếp nhận của nhà sản xuất, nhập khẩu. Việc này gây khó khăn cho các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thiết lập được hệ thống thu gom sản phẩm thải bỏ hiệu quả, từ đó đảm bảo mục tiêu tái chế.
Góp ý về một số chi phí bảo vệ môi trường, chuyên gia kinh tế, PGS Ngô Trí Long bày tỏ rằng, bản chất tương đương với một dạng thuế, phí môi trường, đánh trên doanh thu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây tác động xấu đến môi trường, được chuyển tiếp vào giá sản phẩm lên người tiêu dùng.
Theo ông Long, mặc dù có tính chất tương đồng như một dạng thuế, phí nhưng ban soạn thảo không đưa ra lý do, tiêu chí cụ thể cho mức đóng góp tài chính này, cũng như căn cứ cho phương pháp tính toán, ví dụ như kẹo cao su ở mức 1,5% trên giá trị lô hàng là căn cứ nào.
Vị này kiến nghị, thay vì thu khoản đóng góp tài chính trên vào Quỹ Bảo vệ môi trường, cần đưa khoản thu này vào cơ sở điều chỉnh của luật Phí và lệ phí hoặc luật Thuế bảo vệ môi trường để đảm bảo có cơ sở pháp lý, thu chi minh bạch, căn cứ trên danh mục chất thải rắn hiện hành, tránh lạm thu của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động sản xuất, kinh tế.
Lên tiếng về quy định đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế trong dự thảo nghị định, hôm qua 23.9, Bộ TN-MT cho biết đây không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Bộ này lập luận rằng, luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không tự tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế.
Theo Bộ TN-MT, về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế chứ không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.