'Phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông phân phối xăng dầu'

26/02/2023 08:45 GMT+7

Đó là yêu cầu của Chính phủ trong việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công thương đang hoàn thiện.

Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trong đó, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại một số tỉnh thành trên cả nước đề ngày 1.2.2023, gửi Thủ tướng Chính phủ về việc góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương 'nghiên cứu kỹ' kiến nghị của doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh 1.

Văn phòng Chính phủ cũng "thúc" Bộ Công thương khẩn trương trình dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu trong tháng 2 này

ĐÀO NGỌC THẠCH

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo quy định về kinh doanh xăng dầu.

Thứ 2, giao Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2.2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.

Đáng chú ý, phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua.

Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương “không được để chậm trễ”.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng - đại diện cho trên 50% số cửa hàng bán lẻ - đã có văn bản kiến nghị khẩn cấp tới các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Nội dung kiến nghị liên quan đến mức chiết khấu 0 đồng kéo dài, dẫn đến việc doanh nghiệp bán lẻ bị thua lỗ nhưng không thể đóng cửa ngưng bán hàng. Đặc biệt, kiến nghị cho rằng, do quy định chỉ mua hàng được một nơi (doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối) nên khi hàng khan hiếm, đứt gãy, doanh nghiệp bán lẻ không thể lấy hàng từ nguồn khác, liên tục bị "ép" chiết khấu. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị phải quy định mức chiết khấu dành cho bán lẻ vào nghị định sửa đổi, như một khoản chi phí bán hàng mà các phân khúc trên cũng được hưởng theo quy định.

Dự kiến trong ngày 28.2 tới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu. Tại phiên họp này, hai bộ quản lý chính về hoạt động kinh doanh xăng dầu là Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng được mời tham dự cuộc họp quan trọng này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.