Vì sao bắn súng nhận kỳ vọng cao?
Trong số những môn thi đấu mà các VĐV VN tranh tài ở Olympic Paris 2024, có lẽ bắn súng là nội dung ít bị ảnh hưởng nhất bởi các yếu tố liên quan đến thể chất. Vì thế, niềm hy vọng giành huy chương ở môn bắn súng cũng lớn hơn các môn như điền kinh, bơi lội, rowing, canoeing, cầu lông, boxing, xe đạp, judo hay cử tạ.
Lịch sử nói lên điều đó. VĐV giàu thành tích nhất của thể thao VN tại các kỳ Olympic chính là Hoàng Xuân Vinh - xạ thủ huyền thoại giành được HCV nội dung 10 m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50 m súng ngắn tại Olympic Rio 2016 (Brazil). Tròn 4 thập niên tham dự Olympic (tính từ Olympic Moscow 1980), thể thao VN giành tổng cộng 5 tấm huy chương, trong đó bắn súng đóng góp 40% và tấm HCV duy nhất.
Nhờ "hiệu ứng" Hoàng Xuân Vinh, bắn súng VN có những sự thay đổi rõ rệt. Tấm HCV mà anh giành được trên đất Brazil giúp bộ môn này được biết đến nhiều hơn, được đầu tư mạnh mẽ hơn. Rất nhiều CLB bắn súng nổi lên và học sinh, sinh viên cũng có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm với bộ môn rất mới mẻ khi phong trào len lỏi vào học đường. Chính xạ thủ Mộng Tuyền bén duyên với bắn súng và đi lên chuyên nghiệp từ một buổi tuyển chọn VĐV cho CLB ở trường trung học cơ sở.
Quan trọng hơn, với sự quan tâm của lãnh đạo cũng như nhà tài trợ, các VĐV bắn súng được tập luyện bài bản, trong môi trường chuyên nghiệp hơn và không còn phải chịu cảnh "bắn chay" (chỉ ngắm bắn mà không có đạn). Họ cũng nhận những khoản đãi ngộ xứng đáng hơn, giúp gia đình VĐV yên tâm khi có con em theo đuổi con đường bắn súng chuyên nghiệp.
Từ đó, các tuyển thủ bắn súng VN được tạo điều kiện thi đấu, cọ xát ở nhiều giải chất lượng nên cũng sớm giành vé dự Olympic Paris 2024. Thu Vinh chính thức đoạt vé hồi tháng 8.2023, còn Mộng Tuyền hưởng niềm vui vào tháng 1.2024. Phần lớn các VĐV VN còn lại biết tin mình có suất đến Pháp trước ngày khai mạc chưa đầy 6 tháng. Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho Olympic, các VĐV bắn súng được tập huấn ở nhiều quốc gia như Brazil, Đức, Azerbaijan, Hàn Quốc và Hungary.
Giàu tiềm năng đạt thành tích cao, lại có thời gian chuẩn bị bài bản hơn là những lý do Cục TDTT giao nhiệm vụ cho bắn súng VN "phấn đấu giành huy chương tại Olympic".
Hai hành trình, một đích đến
Khi còn là một cô bé học sinh lớp 7, Thu Vinh thích chạy và tham gia giải đấu của H.Thạch Thành (Thanh Hóa). Cô đoạt giải nhì, được chọn vào đội tuyển của tỉnh và bén duyên với điền kinh. Năm 2014, nữ VĐV sinh năm 2000 gia nhập đội Công an nhân dân và bắt đầu theo đuổi con đường điền kinh chuyên nghiệp ở các nội dung đòi hỏi về sức bền là 800 m, 1.500 m và 5.000 m.
Bản thân Thu Vinh cũng bền bỉ theo đuổi con đường điền kinh. Cô miệt mài tập luyện, thi đấu trong suốt 3 năm nhưng không có kết quả như mong muốn. Bước sang tuổi 17 và thành tích gần như là con số 0, hành trình VĐV chuyên nghiệp tưởng chừng phải khép lại với cô. Nhưng không, ngã rẽ mới xuất hiện. Cô chuyển từ điền kinh sang bắn súng và thể thao VN có thêm một niềm hy vọng.
Một năm sau, Thu Vinh đã gặt hái thành công với 2 HCV (cá nhân, đồng đội), đồng thời lập kỷ lục trẻ quốc gia ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ tại giải súng hơi thanh thiếu niên quốc gia năm 2018 và được gọi lên đội tuyển bắn súng VN. Đến tháng 8.2023, cô vào top 5 nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ tại giải bắn súng vô địch thế giới và chính thức có vé tham dự Olympic Paris 2024. Mới nhất, hồi đầu năm, nữ xạ thủ xuất sắc giành HCV nội dung súng ngắn hỗn hợp đồng đội tại giải bắn súng vô địch châu Á.
Sự nghiệp của Mộng Tuyền lại có những điểm khác so với Thu Vinh. Cô gái sinh năm 2003 đến với bắn súng chỉ đơn giản vì "nhìn ngầu" và bản thân không đủ sức khỏe để theo đuổi các môn khác như kéo co, điền kinh… Và thật may khi đó là sự lựa chọn đúng đắn.
Trong vòng 3 năm kể từ khi tập bắn súng chuyên nghiệp, Mộng Tuyền đã có bộ sưu tập danh hiệu mà nhiều VĐV ao ước: 9 HCV ở các giải trong và ngoài nước, 4 kỷ lục tại Đại hội thể thao toàn quốc. Tháng 1.2024, cô gái quê TP.HCM giành 188,7 điểm, đứng thứ 5 chung kết giải bắn súng vô địch châu Á tại Indonesia và giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024 ở nội dung 10 m súng trường hơi nữ.
Thu Vinh, Mộng Tuyền có xuất phát điểm khác nhau nhưng giữa họ tồn tại điểm chung: đi lên từ thất bại. Vấp ngã ở môn điền kinh giúp Thu Vinh mạnh mẽ hơn và đạt được thành tựu nhất định ở môn bắn súng. Trong khi đó, chia sẻ với Thanh Niên, Mộng Tuyền có suy nghĩ cũng đầy trưởng thành: "Với tôi, kỷ niệm đáng nhớ không phải những lần thành công mà là khi mình thất bại. Đôi khi tôi thấy việc bắn thật khó khăn. Nhưng cũng từ đó, tôi rút ra được nhiều bài học để hoàn thiện mình".
Và đương nhiên, hai cô gái trẻ còn một điểm chung nữa. Đó là mục tiêu giành huy chương ở Olympic Paris 2024, tiếp bước đàn anh Hoàng Xuân Vinh làm rạng danh thể thao VN ở đấu trường Olympic. (còn tiếp)
XẠ THỦ NỮ CŨNG THIỆT THÒI
Không trực tiếp va chạm và đòi hỏi nhiều thể lực, sức bền như những môn thể thao đối kháng, nhưng VĐV bắn súng cũng có nguy cơ chấn thương lưng, vai, gáy khi duy trì động tác ngắm bắn trong khoảng thời gian dài. Với Thu Vinh, cô bị lệch vai và có chút mặc cảm khi không thể diện những bộ váy mình thích. Trong khi đó, do đặc thù của nội dung súng trường, Mộng Tuyền thường xuyên phải mang trên người bộ quần áo khá nặng, di chuyển khó khăn.
Ngoài ra, VĐV bắn súng cũng dễ căng thẳng thần kinh. Họ phải duy trì trạng thái tập trung ngắm bắn trong khoảng thời gian dài và áp lực càng đẩy lên cao khi bước vào thi đấu. Tuy nhiên, cả Thu Vinh, Mộng Tuyền đều vẫn đang rất hạnh phúc với lựa chọn của mình và cho biết những gì mình hy sinh để cống hiến cho nền thể thao nước nhà là xứng đáng.
Bình luận (0)