Chinh phục 'người nhà'

29/04/2015 05:30 GMT+7

Đó là việc mà các doanh nghiệp Việt đã, đang và sẽ phải làm để có được lợi thế trong việc giữ thị phần nội địa trước hàng Trung Quốc giá rẻ và hàng Thái, Nhật cũng như hàng hóa các nước trong khu vực khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ theo lộ trình hội nhập.

Đó là việc mà các doanh nghiệp Việt đã, đang và sẽ phải làm để có được lợi thế trong việc giữ thị phần nội địa trước hàng Trung Quốc giá rẻ và hàng Thái, Nhật cũng như hàng hóa các nước trong khu vực khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ theo lộ trình hội nhập.

Việc này lẽ ra đã phải làm ngay từ khi sản xuất các "mẻ hàng" hay cung ứng các dịch vụ đầu tiên, thậm chí nó phải được đưa vào mục tiêu ngay từ khi thành lập doanh nghiệp. Bởi chỉ nhìn theo một logic đơn thuần nhất thì sản phẩm, dịch vụ của mình, nếu mình còn chê thì bán cho ai? Nhìn rộng ra thế giới, chưa có thương hiệu lớn nào thành công ở nước ngoài mà lại bị người tiêu dùng bản địa chê. Thị trường nội địa ở bất cứ quốc gia nào đều được coi là cái gốc. Muốn tiến ra ngoài, gốc phải chắc chắn. Nhưng tiếc rằng một thời gian quá dài, không ít doanh nghiệp Việt làm ăn chụp giật gây mất uy tín với người tiêu dùng; cũng không ít doanh nghiệp chỉ chăm chăm có hàng đẹp, hàng tốt để dành xuất khẩu còn hàng lỗi, hàng chất lượng không cao thì bán nội địa...
Bên cạnh đó, giá cả, chất lượng kém cạnh tranh bắt nguồn từ nền sản xuất non trẻ, hàng Việt không thể phủ nhận đã đánh mất lòng tin của chính người tiêu dùng Việt. Nên ở phân khúc dưới không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc, ở trên bị lép vế hoàn toàn với sản phẩm đồng dạng từ các nước láng giềng như Thái, Nhật, Hàn... Lá chắn an toàn nhất cho hàng nội là hàng rào thuế quan khiến giá thành hàng nhập từ các nước trong khu vực cao hơn đến nay cũng dần dần được dỡ bỏ.
Chưa bao giờ nguy cơ mất sân nhà lại rõ ràng như hiện nay. Thực ra nguy cơ này đã được nhận diện từ nhiều năm trước với việc phát động phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” nhưng chưa thực sự thành công. Bởi như phân tích trên, nguyên nhân sâu xa khiến người tiêu dùng nội địa quay lưng với hàng Việt chính là do chất lượng, giá cả, mẫu mã... kém cạnh tranh và đặc biệt, dịch vụ hậu mãi yếu, cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của rất nhiều doanh nghiệp nội.
Nói như vậy để thấy, để có thể chinh phục người tiêu dùng nội địa, giữ thị trường được đánh giá hết sức tiềm năng với hơn 90 triệu dân, dân số trẻ, sức mua sắm cao mà các nước đều thèm muốn phụ thuộc phần lớn vào bản thân các doanh nghiệp. Có một lợi thế cho họ là, đa số người tiêu dùng trong nước đều có tâm lý muốn ủng hộ hàng Việt.
“Tôi muốn ủng hộ hàng Việt nhưng phải duy trì chất lượng, giá cả tránh tình trạng lần đầu tốt nhưng các lần sau lại kém”; “Là người Việt tôi sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt nhưng phải cải tiến về mẫu mã, chất lượng và giá cả”; “Ngay cả những nước phát triển cũng phát động phong trào dùng hàng nội, tôi sẽ dùng hàng nội nếu giá cả, chất lượng cạnh tranh”... Đó là ý kiến của hầu hết những người được hỏi cũng như các bạn đọc gửi về sau loạt bài Hàng Việt gian nan giữ sân nhà đăng trên Thanh Niên mấy ngày nay. Đó là lợi thế rất lớn nhưng chúng ta cũng nhận thấy rất rõ, đây là sự ủng hộ có điều kiện và các yêu cầu, các đòi hỏi, các điều kiện này hoàn toàn chính đáng.
Vậy thì cách duy nhất không chỉ để "chinh phục người nhà" mà còn để đi ra các nước trong khu vực và thế giới khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ là xây dựng uy tín về chất lượng, dịch vụ; sự cạnh tranh của giá cả và sự chuyên nghiệp, bài bản trong hoạt động kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.