Chính quyền cho thuê sông, dân mất kế sinh nhai

19/09/2018 09:06 GMT+7

Sông Lấp phục vụ tưới tiêu cho 3 xã thuộc các huyện Quảng Xương, Nông Cống (Thanh Hóa) nhưng chính quyền đem cho cá nhân thuê, khiến người dân kêu cứu vì sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Sông Lấp nối giữa sông Yên và sông Hoàng, dài khoảng 5 km, là nguồn nước tưới tiêu cho gần 200 ha lúa và hơn 20 ha cói của người dân 3 xã Quảng Phúc, Quảng Vọng (H.Quảng Xương) và Tế Nông (H.Nông Cống). Trong đó cây cói là nguồn thu nhập chính của hàng trăm gia đình ở các thôn Ngọc Đới 1, Ngọc Đới 2 (xã Quảng Phúc).
Tuy nhiên, từ tháng 11.2005, UBND xã Quảng Phúc và UBND xã Tế Nông (H.Nông Cống) đã cùng nhau đem sông Lấp cho 3 cá nhân ở TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) thuê, giá 30 triệu đồng/năm. Đến năm 2011, chính quyền 2 xã lại đem sông Lấp cho một cá nhân khác ở H.Quảng Xương thuê và quản lý 2 cống nước ra vào, thời hạn thuê là 20 năm (đến tháng 5.2031 mới hết hạn hợp đồng), giá trị cho thuê là 30 triệu đồng/năm, tiền thuê cũng được chia đều cho 2 xã.
Từ khi sông Lấp được chính quyền cho thuê để khai thác thủy sản, hàng trăm hộ nông dân ở đây bức xúc. Theo đó, sông Lấp có 2 cửa cống để nước ra vào đã bị chủ thầu quản lý, nên cánh đồng cói dọc sông lúc thì thừa nước, lúc lại thiếu nước, tùy theo nhu cầu đóng mở cống của chủ thầu. Suốt 7 năm qua, hơn 20 ha cói ở xã Quảng Phúc vụ thì bị chết khô vì không có nước, vụ thì bị ngập úng là vì thế.
Bà Vũ Thị Hòa (50 tuổi, ngụ tại thôn Ngọc Đới 2) cho biết vụ cói đầu năm 2018 gia đình bà có 3 sào cói bị chết khô. “2 cửa cống đều bị đóng kín và do ông chủ thầu cai quản, cói không phát triển được, thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Chúng tôi đã nhiều lần tập trung lên xã kiến nghị nhưng không được”, bà Hòa nói.
Phía đồng cói bên cạnh, anh Lê Đức Thọ (31 tuổi, ngụ tại thôn Ngọc Đới 3) cho biết: vụ cói cuối năm 2018, gia đình anh có 2 sào cói nhưng bị ngập úng. Theo anh Thọ, mỗi sào cói cho thu hoạch khoảng 13 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, nhưng từ khi sông được cho thầu thì người trồng cói thiệt hại rất lớn. Anh Thọ cho biết không chỉ cói mà lúa của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng do không chủ động được nguồn nước.
Trả lời Thanh Niên, ông Hoàng Xuân Thi, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, xác nhận việc 2 xã Quảng Phúc và Tế Nông cho thuê thầu sông Lấp và ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng của người dân. “Bà con có ý kiến nhiều năm nay rồi, đúng là nguồn nước ra vào không được chủ động nữa khiến người dân gặp khó khăn. Chúng tôi đang thương lượng để chấm dứt hợp đồng nhưng chủ thầu đòi bồi thường công cải tạo nên chưa thỏa thuận được, trong khi hợp đồng thầu đến năm 2031 mới hết hạn”, ông Thi nói.
Ông Nguyễn Đình Dự, Phó chủ tịch UBND H.Quảng Xương, cho biết huyện đã nắm được sự việc và đã chỉ đạo xã Quảng Phúc phối hợp với xã Tế Nông giải quyết dứt điểm vụ việc. Ông Dự cũng khẳng định, việc cho thuê thầu trên sông Lấp là sai quy định, phải chấm dứt và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên được phát hiện tại H.Quảng Xương khi UBND xã đem sông cho cá nhân thầu. Trước đó, ngày 20.8 Báo Thanh Niên cũng phản ánh từ nhiều năm trước, UBND xã Quảng Nham (H.Quảng Xương) đã ngang nhiên “cắt” sông, chia lô cho 49 hộ dân thuê trái phép. Vụ việc cũng đã được xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.